Tại sao đột nhiên lại nghe kém đi? Đột nhiên bạn nghe âm thanh không rõ, phải cố hết sức nhưng chỉ nghe rõ một vài từ, cho dù bạn đã nín thở, nhắm mắt chỉ tập trung vào một giác quan duy nhất là tai, nhưng cũng không khả quan. Do đó khi nghe ai kể chuyện, bạn khó theo kịp, rồi mặc cảm, không còn muốn tham gia vào các hoạt động cộng đồng nào nữa. Lúc này, Có thể bạn đã bị suy giảm sức nghe rồi đấy. Vậy bệnh này có nguy hiểm lắm không? Thật ra không đáng lo lắm, bởi vì suy giảm sức nghe là một triệu chứng khá phổ biến ngày nay.
Các thống kê thu được tại Mỹ chỉ ra khoảng 15-20% người lớn bị nghe kém ở các mức độ khác nhau. Thời gian về trước ai cũng nghĩ nghe kém chỉ ảnh hưởng đến người cao tuổi, nhưng ngày nay, cùng với sự ô nhiễm môi trường gia tăng ccùng với cuộc sống hiện đại, nhiều người trẻ cũng bị nghe kém. Ở Mỹ, khoảng 1/2 số người nghe kém là ở độ tuổi dưới 50. Chứng nghe kém thường tăng dần theo tuổi, cứ 12 người trong độ tuổi 30 thì có 1 người bị nghe kém, tỷ lệ này tăng lên thành 1/8 người trong độ tuổi 50, 1/3 người trong độ tuổi 65 và 1/2 người trong độ tuổi 75 trở lên. Cho đến bây giờ, nghe kém đã trở thành một vấn đề sức khỏe phổ biến ngang với bệnh khớp và bệnh tim mạch. Suy giảm sức nghe có thể xảy ra đột ngột hoặc diễn biến từ từ, nghe kém từng đợt hoặc nghe kém liên tục. Tùy từng nguyên nhân, có thể bị nghe kém tạm thời hoặc nghe kém lâu dài, nghe kém mức độ nhẹ, trung bình hay nghe kém nặng (còn gọi là điếc).
Nếu bạn bị nghe kém do tuổi hoặc do tiếng ồn, có thể khắc phục bằng cách đeo máy trợ thính. Các máy này ngày nay được biết đến rộng rãi hơn với nhiều chủng loại, hình dạng và công suất khác nhau phù hợp với nhu cầu và mức độ nghe kém của mỗi người, đồng thời cũng có tính thẩm mỹ cao. Ngày nay, với những người nghe kém quá nặng, đeo máy trợ thính không thể cải thiện được tình hình, còn có thể có giải pháp khác là phẫu thuật cấy ốc tai điện tử, thế nhưng giá thành của ca phẫu thuật như này tương đối cao nên không phải ai cũng có điều kiện chi trả. Bạn cũng cần trang bị cho mình một số kỹ năng cần thiết để có thể chung sống với dấu hiệu nghe kém, chẳng hạn như cần chú ý hơn vào cử chỉ, nét mặt, tư thế của người đối thoại cũng như cao độ giọng của họ. Nếu nghe kém là do các nguyên nhân khác, có thể điều trị theo từng nguyên nhân cụ thể. Ví dụ: lấy nút ráy, lấy bỏ dị vật trong ống tai, điều trị nội khoa các viêm nhiễm ở tai, phẫu thuật lấy bỏ tổn thương viêm, vá lại màng nhĩ hoặc tái tạo hệ thống xương dẫn truyền âm trong tai giữa, phẫu thuật lấy bỏ các khối u tai ngoài hoặc tai giữa…
ThS. Bùi Thế Anh – Sức khỏe đời sống