Trước giờ cách ly toàn xã hội từ 0 giờ 1.4, đồng thời với việc cấm xe khách trên 9 chỗ, nhiều người trẻ đã di chuyển bằng xe cá nhân về quê, nhưng liệu đây có phải là giải pháp an toàn ?
Sau khi giải quyết xong công việc, Lê Thị Mỹ Phương, 27 tuổi, trú hẻm 451 Tô Hiến Thành, P.14, Q.10, TP.HCM đã đi xe máy về quê trách dịch Covid-19 vào chiều 30.3. Mỹ Phương cho biết hơn 2 tuần vừa qua chị chỉ làm việc tại nhà, sức khỏe ổn nên quyết định về quê.
“Mình đã dọn dẹp phòng trọ kỹ càng và luôn đeo khẩu trang trên đường khi chạy xe về quê", Mỹ Phương nói.
Anh Phạm Thanh Tuấn, giáo viên Trường THCS-THPT Diên Hồng TP.HCM đã đi xe máy về Bến Tre vào ngày 27.3. Anh Tuấn cho biết sau thời gian giải quyết tất cả công việc, bản thân anh quyết định về quê để phòng tránh dịch bệnh Covid-19.
"Bản thân mình đã thực hiện việc khai báo y tế trực tuyến và kiểm tra sức khỏe ở trạm y tế của địa phương nên có thể an tâm phần nào", anh Thanh Tuấn chia sẻ.
Dễ lây lan chéo
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên bộ môn tai mũi họng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, khi nhiều người đổ xô về quê sẽ dẫn đến trường hợp người bị lây nhiễm rồi mà bản thân họ không biết, hoặc những người nằm ở trong vùng dịch không nắm được tình trạng sức khỏe của mình như thế nào khi chưa tự cách ly 14 ngày tại nhà, như vậy sẽ rất dễ lây lan chéo cho nhau. Trong khi đó, khi qua 14 ngày ở quê, nhiều người trở lại các thành phố lớn thì lúc này nguy cơ lây nhiễm cũng khá cao.
Tiến sĩ, bác sĩ Minh cũng cho biết nếu công việc gián đoạn thì các bạn nên ở một chỗ. Về quê mà tụ tập vui chơi, ăn nhậu với số lượng người lớn như 5 đến 10 người thì khả năng lây nhiễm Covid-19 có thể còn cao hơn.
Cập nhật liên tục thông tin chọn lọc chính thống về diễn biến 🇨 🇴 🇻 🇮 🇩-19 tại: https://corona.edoctor.io/