UBND TP.HCM yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tại khu vực có ca bệnh và áp dụng Chỉ thị 15 tại khu vực lân cận.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký văn bản khẩn gửi lãnh đạo các sở, ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Tân Sửu.
UBND TP.HCM yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại những khu vực có ca bệnh. Những khu vực lân cận cần áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng.
Chính quyền thành phố cũng yêu cầu kích hoạt lại toàn bộ hệ thống y tế dự phòng và điều trị của ngành y thành phố, phối hợp tốt với cơ quan y tế của Trung ương đóng trên địa bàn. Đặc biệt, ngành y thành phố cần phối hợp tốt với Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống Covid-19 TP.HCM do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phụ trách.
Lực lượng chức năng phong tỏa khu vực có ca mắc Covid-19 sinh sống tại quận 1, TP.HCM. Ảnh: Quang Huy.
Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thuộc các ngành, các cấp không rời địa bàn thành phố, tổ chức bộ phận trực chiến đảm bảo công tác báo cáo đột xuất và hàng ngày; vận động cán bộ, công chức không về quê ăn Tết để đảm bảo kịp thời ứng phó trong mọi tình huống dịch và đảm bảo an toàn cho gia đình, cộng đồng.
TP.HCM cũng yêu cầu ngành y xét nghiệm lại lần 2 đối với 1.600 nhân viên bốc xếp của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, xét nghiệm lại toàn bộ cán bộ, công nhân viên bệnh viện 175. Những khu vực có ca nhiễm cộng đồng tại quận 1, 12, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thành phố Thủ Đức cần khoang vùng, phong tỏa tạm thời.
Các trường hợp F1 trên địa bàn phải được lấy mẫu đơn, các hộ gia đình sinh sống tại khu vực có dịch thì áp dụng phương án lấy mẫu gộp.
Để chuẩn bị ứng phó cho các kịch bản TP có 50 ca nhiễm, ngành y tế cần đảm bảo năng lực xét nghiệm 30.000 đến 40.000 mẫu trong 24 giờ.
Trong sáng 9/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM) cho biết 1.600 mẫu thử của người dân sinh sống tại khu Mả Lạng (quận 1, TP.HCM) đã cho kết quả âm tính SARS-CoV-2. Đây là khu vực đã được lực lượng y tế và cơ quan chức năng phong tỏa do liên quan ca mắc Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngoài ra, điểm phong tỏa tại khu vực hẻm 139, đường số 28, phường 6, quận Gò Vấp, đã gỡ phong tỏa do kết quả xét nghiệm của ca nghi mắc Covid-19 đã âm tính.
Nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất xếp hàng để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.
Ngay sau cuộc họp trực tuyến với Chính phủ chiều 8/2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong triệu tập cuộc họp khẩn về tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Ông Phong yêu cầu tạm dừng tất cả hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí, thẩm mỹ viện, karaoke, vũ trường, quán nhậu, quán bar, pub, beer club, massage, xông hơi, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử.
Thời gian này, các trung tâm tiệc cưới, phòng trà, sân khấu kịch, rạp chiếu phim, cơ sở kinh doanh thể thao cũng ngừng mở cửa. Các nghi lễ tôn giáo và hoạt động 20 người trở lên ở cơ sở thờ tự cần tạm ngừng.
Tính đến ngày 9/2, sân bay Tân Sơn Nhất đã có 7 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 cùng chung nhóm làm việc bốc dỡ, sắp xếp, giám sát hành lý, hàng hóa ở sân đỗ máy bay.
Ngoài 7 trường hợp này, HCDC ghi nhận 25 người nhiễm có liên quan nhân viên sân bay đã được Bộ Y tế công bố với mã số BN2014 đến BN2038 vào chiều 8/2.
Ổ dịch mới ở TP.HCM được đánh giá rất phức tạp. Ảnh: Duy Hiệu.
Chỉ thị 15 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 27/3/2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, Chỉ thị 16 được Thủ tướng ký ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.
- Dừng các sự kiện tập trung trên 20 người 1 phòng. Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài công sở, trường học, bệnh viện.
- Người dân cần giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2 m.
- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cần tạm dừng. Cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa.
- Các phương tiện vận tải hạn chế di chuyển từ vùng dịch đến địa phương khác. Hạn chế vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TP.HCM đến nơi khác.
- Thực hiện cách ly toàn xã hội, người dân phải ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và không tụ tập quá 2 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện.
- Người dân cần giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2 m.
- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm đình chỉ. Cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa.
- Các phương tiện vận tải dừng di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác. Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.
Tính đến sáng 9/2, toàn địa bàn TP.HCM có 13 địa điểm là nơi cư trú các bệnh nhân Covid-19 đã được phong tỏa:
- Khu phố 4, phường Trung Mỹ Tây, quận 12
- Thạnh Lộc 48, phường Thạnh Lộc, quận 12
- Thạnh Lộc 04, phường Thạnh Lộc, quận 12
- Khu phố 7, phường Hiệp Thành, quận 12
- Khu phố 5, Nguyễn Văn Cự, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân
- Đường Nguyễn Thị Tú, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân
- Hẻm 480, đường Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh
- Hẻm 246 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh
- Chung cư Felix 44 Nguyễn Văn Dung, phường 6, quận Gò Vấp
- Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, phường 6, quận Gò Vấp
- Khu nhà trọ số 90, đường Nguyễn Phúc Chu, phường 15, Tân Bình
- Đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1
- Hẻm 441, đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức
5 địa điểm được phong tỏa/phong tỏa tạm thời:
- Quán Nam Bắc, địa chỉ 12A1 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình
- Quán Cây Bàng, địa chỉ B68 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình
- Quán gà ta Phương Nam, địa chỉ A3 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình
- Nhà bệnh nhân trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình
- Hẻm 251 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp
Nguồn: zingnews.vn