Zika là gì? Zika là một bệnh được lây nhiễm bởi virus Zika, chủ yếu truyền nhiễm thông qua muỗi Aedes. Tên của virus lấy tên của khu rừng Zika, gần hồ Victoria ở Uganda, nơi đã được xác định lần đầu tiên trong năm 1947. Triệu chứng mắc Zika là gì? Trung bình 5 người nhiễm virus Zika thì 1 người phát thành bệnh, nhưng biểu hiện không dữ dội lắm. Thông thường là sốt nhẹ, phát ban, mắt đỏ, hơi đau đầu và đau mỏi cơ. Tuy nhiên, đây cũng là biểu hiện chung của khá nhiều bệnh khác, nên rất khó xác định bản thân nhiễm virus Zika nếu không được xét nghiệm ở các bệnh viện có uy tín và đầy đủ trang thiết bị. Zika có nguy hiểm không? Có báo cáo cho thấy virus Zika có thể gây khiếm khuyết bẩm sinh ở trẻ với tên gọi "bệnh đầu nhỏ", do lây nhiễm cho người mẹ trong quá trình mang thai. Ngoài "bệnh đầu nhỏ" tác động đến trẻ sơ sinh, chưa có ghi nhận rõ ràng về những tác hại khác của virus Zika. Người nhiễm virus Zika chỉ cần nghỉ ngơi thì triệu chứng sẽ tự thuyên giảm, có thể truyền dịch nếu thấy cần thiết. Làm sao để ngăn ngừa nhiễm Zika? Hiện tại chưa có vắc-xin, cũng chưa thể ngăn ngừa bằng thuốc. Tuy nhiên, có thể dễ dàng phòng tránh lây nhiễm virus Zika theo hướng dẫn của CDC như sau đây: - Mặc áo tay dài và quần dài, có vải đủ dày, che kín da. - Nên dùng lưới mịn để che chắn quanh nhà, chống muỗi. Nên ở trong phòng có máy điều hòa không khí, kín và tránh muỗi. - Dùng các loại thiết bị đuổi muỗi hoặc các loại thuốc diệt muỗi, kem đuổi muỗi (ngoại trừ phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh). - Với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh: Không được dùng các loại hóa chất xịt muỗi, đuổi muỗi hoặc diệt muỗi, không thoa các chất đuổi muỗi lên da. Khuyến cáo nên chống muỗi bằng phương pháp tự nhiên, như dùng màn ngủ, lắp lưới mịn ngăn muỗi trên các đường thông gió trong nhà, mặc quần áo dài tay, ở nơi thoáng khí. - Phụ nữ đang mang thai không nên đi vào các khu vực đã phát hiện trường hợp nhiễm Zika. Nếu phải đi vào khu vực có dịch, phải mặc trang phục kín kẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, và đến ngay cơ quan y tế kiểm tra nếu phát hiện biểu hiện triệu chứng như đã mô tả ở trên. Nếu lỡ bị nhiễm rồi thì sao? Nếu bạn đã được xét nghiệm máu và cho kết quả là bị nhiễm virus Zika, phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ. Hãy nghỉ ngơi thật nhiều, có thể truyền dịch để cảm thấy dễ chịu hơn, mau khỏe hơn. Có thể uống acetaminophen để giảm đau hạ sốt, nhưng không được uống thuốc ASPIRIN và các loại thuốc chống viêm không steriod khác. Có thể bị tái nhiễm không? Theo nghiên cứu hiện tại, khi đã nhiễm Zika một lần thì hệ miễn dịch sẽ tự có khả năng phòng chống, khả năng tái nhiễm trong tương lai là rất thấp. Tuy nhiên, không nên lơ là, vì virus có thể biến đổi thành những dạng nguy hiểm hơn, nằm ngoài khả năng phòng vệ của hệ miễn dịch. Làm sao xét nghiệm? Khi có dấu hiệu sốt nhẹ, phát ban, đau mỏi cơ khớp, và mắt đỏ, hãy đến ngay bệnh viện lớn gần nhất để được chỉ định cụ thể. Bạn phải đi xét nghiệm sớm, ngay cả khi bạn đang đi du lịch, đặc biệt là ở các khu vực đã phát hiện trường hợp nhiễm Zika. Thông thường quá trình xét nghiệm sẽ yêu cầu lấy mẫu máu để xét nghiệm máu. Ngoài ra, ở Việt Nam đã và đang có ngày càng nhiều bệnh viện và trung tâm y tế đủ khả năng xét nghiệm Zika. Khi có chuyện, biết hỏi ai? Bạn có thể cài đặt ứng dụng eDoctor để đặt câu hỏi MIỄN PHÍ cho bác sĩ để được tư vấn nhiều hơn. Trong trường hợp khẩn cấp, bạn có thể gọi tổng đài sức khỏe 1900 6115 để được tư vấn ngay lập tức. Chúc các bạn vui khỏe và đón một cái Tết Nguyên Đán hạnh phúc bên gia đình!
---------------------------
Tổng hợp từ Trung Tâm CDC (Centers for Disease Control and Prevention - Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Chống Dịch Bệnh).