Vi khuẩn Clostridium botulinum gây độc rất mạnh cho người, nếu ăn phải. Vi khuẩn này có thể tồn tại trong thức ăn đóng hộp, thực phẩm bảo quản, thực phẩm lên men ở môi trường kị khí (môi trường kín).
⚠Vi khuẩn cực độc
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có khuyến cáo khẩn cấp người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm “Pate Minh Chay” sau khi phát hiện một số lô sản phẩm này nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum (C.botulinum).
Theo Cục An toàn thực phẩm, C.botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong. Đáng lưu ý, C.botulinum là vi khuẩn kị khí, có thể phát triển trong điều kiện không có ô xy. TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm), nhấn mạnh C.botulinum tạo nha bào (bào tử), có độc tố cực độc.
Theo chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm, ngộ độc C.botulinum xảy ra do sử dụng đồ ăn, thức uống nhiễm vi khuẩn này khi chúng đã sinh ra độc tố hoặc do ăn uống phải thực phẩm chứa nha bào C.botulinum. Khi vào đường tiêu hóa, nha bào phát triển, sinh ra độc tố và gây bệnh.
“Các loại đồ hộp, thức ăn được chế biến, sản xuất, bảo quản không đạt tiêu chuẩn vệ sinh trong điều kiện yếm khí dễ bị nhiễm C.botulinum”, TS Lâm Quốc Hùng lưu ý.
❗Nhận biết thực phẩm đóng hộp không an toàn
Chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm cho biết vi khuẩn C.botulinum có khả năng sống sót cao, nha bào của chúng (tồn tại trong đất, phân, bùn, rau quả, trên động vật, hải sản, đồ hộp nhiều tháng). Đáng lưu ý, vi khuẩn có thể sống trong các thực phẩm như: đồ hộp đã mở, thịt, sữa, cá hun khói… nhiều tuần ở điều kiện bảo quản lạnh. Người nhiễm độc tố của C.botulium có thể xuất hiện hội chứng viêm dạ dày - ruột cấp tính (đau bụng, sốt) hoặc hội chứng nhiễm độc thần kinh với biểu hiện như: liệt mềm, diễn biến nhanh và có thể tử vong.
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), cho biết vi khuẩn C.botulinum gây ngộ độc khi người bệnh ăn các thức ăn được đóng kín trong đồ hộp (thịt hộp, pate hộp...) chứa loại vi khuẩn kị khí sinh hơi này.
Theo TS Cường, dấu hiệu nhận biết đồ hộp có thể chứa C.botulinum là các đồ hộp bị phồng (do vi khuẩn sinh hơi). Nếu ăn phải thực phẩm này, sau 4 - 6 giờ sẽ xuất hiện các triệu chứng thần kinh như: mệt mỏi, sụp mi mắt, yếu cơ, khó nuốt, khó thở nếu liệt cơ hô hấp, nặng có thể tử vong. Bệnh này không gây nôn, tiêu chảy mất nước như các bệnh ngộ độc thực phẩm khác (độc tố tụ cầu, salmonella...).
✔ Để phòng chống ngộ độc do vi khuẩn C.botulinum, cần giám sát, kiểm tra, thanh tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản, sử dụng các thực phẩm đóng hộp, thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp, ủ mắm...), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí (xông khói...), lò mổ, cơ sở chế biến thức ăn, nơi bán sữa và sản phẩm sữa.
Cần đảm bảo vệ sinh nguồn nước sạch cho cộng đồng, phòng tránh triệt để nguy cơ ô nhiễm phân người và phân gia súc đối với nguồn nước sạch.
Trong gia đình, nhiều người lầm tưởng tủ lạnh là nơi vi khuẩn không thể sinh sôi và phát triển. Nhưng thức ăn cho vào tủ lạnh nếu bảo quản không đúng cách và bảo quản trong thời gian không hợp lý vẫn có thể gây các bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn. Cần lưu ý về an toàn thực phẩm ngay trong gia đình.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế)
Theo Thanh Niên Online