Mẹ 35 tuổi, con gái 3 tuổi, từ Ấn Độ nhập cảnh ngày 24/4, hoàn thành cách ly 21 ngày ở Hải Phòng về Hà Nội cách ly tại nhà thì 10 ngày sau xét nghiệm lại dương tính.
Hai mẹ con được Bộ Y tế công bố mắc Covid-19 sáng 24/5, tức là đúng một tháng kể từ ngày họ nhập cảnh. Câu hỏi đặt ra là tại sao sau một tháng, kết quả xét nghiệm của họ vẫn dương tính trong khi thời gian cách ly 21 ngày xét nghiệm hai lần âm tính, và nguồn lây nhiễm từ đâu?
Các chuyên gia dịch tễ nhận định có nhiều giả thiết cho tình huống hai mẹ con mắc Covid-19, song chưa thể khẳng định chắc chắn nguyên nhân nào.
Về mặt dịch tễ, hai mẹ con hoàn thành cách ly tập trung 21 ngày tại Hải Phòng vào ngày 15/5, sau đó về cách ly tại nhà ở tòa Park 9, khu đô thị Times City. Ngày 22/5, hai người đến Bệnh viện Vinmec lấy mẫu xét nghiệm để kết thúc cách ly, phát hiện con dương tính, mẹ âm tính. Ngày 23/5, CDC Hà Nội xét nghiệm lần hai, kết quả dương tính.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, nhận định không thể kết luận ngay hai bệnh nhân này có thời gian ủ bệnh đến một tháng mà phải xem xét nhiều khả năng.
Thứ nhất, hai bệnh nhân này có thể lây nhiễm nCoV ngay trong khu cách ly, tuy nhiên đến khi rời khỏi khu cách ly mới phát bệnh. Bác sĩ Khanh cho rằng có thể các cơ sở cách ly chưa kiểm soát chặt chẽ, để người cách ly vô tình tiếp xúc bệnh phẩm hay bề mặt chứa nCoV tại đây.
Thứ hai, khi hoàn tất cách ly tập trung, bệnh nhân di chuyển về nhà và đây có thể là thời gian họ tiếp xúc nhiều người, bị lây nhiễm mà không biết. Thêm vào đó, người bệnh được xét nghiệm trước thời điểm hết hạn cách ly một ngày, có thể khiến không thể phát hiện bệnh.
Thứ ba, sau khi cách ly tập trung, hai mẹ con cách ly tại nhà. Việc không tuân thủ đúng quy định cách ly tại gia đình cũng khiến họ có khả năng nhiễm virus.
Chuyên gia cho rằng cần điều tra dịch tễ cụ thể mới có thể đưa ra những kết luận chính xác, chứ chưa thể kết luận "bệnh nhân có thời gian ủ bệnh trên 21 ngày". Hiện, quy định thời gian cách ly tập trung của Bộ Y tế 21 ngày về cơ bản là đảm bảo an toàn.
"Cơ quan chức năng cần xem xét nhiều yếu tố và truy vết kỹ càng, chưa thể kết luận nguyên nhân do đâu", bác sĩ nói.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, cho biết có rất nhiều giả thiết đặt ra với tình huống bệnh nhân dương tính sau khi trở về từ khu cách ly. Để khẳng định nguyên nhân, giới chức cần xem xét kết quả giải trình tự gene của từng người, điều tra nguồn lây là từ khu cách ly hay từ nước ngoài. Giả thiết ông đưa ra là có thể bệnh nhân nhiễm virus trong khu cách ly hoặc việc xét nghiệm chưa phát hiện được bệnh, hoặc lây trên đường trở về nhà, giống quan điểm của bác sĩ Khanh.
Ông Nga cho rằng chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát trong khoảng một tuần với nhóm người đã kết thúc cách ly tập trung. Người cách ly cũng cần tự theo dõi sức khỏe, nghiêm túc tự cách ly tại nhà, không tự ý ra ngoài và báo ngay cho cơ quan y tế nếu có bất thường về sức khỏe.
Một chuyên gia không nêu tên cho rằng cần có thời gian điều tra, hiện chưa thể đưa ra giả thiết nào về nguồn lây nhiễm. Ông nhận định thời gian cách ly tập trung 21 ngày là cơ bản đảm bảo an toàn, việc bệnh nhân ủ bệnh quá 21 ngày là khó có thể xảy ra.
Theo các chuyên gia, vấn đề xác định nguồn lây là rất quan trọng để định hướng truy vết và đánh giá quy mô dịch. Song, điều quan trọng lúc này là ưu tiên truy vết hết F0, F1, F2... trong cộng đồng để tránh virus lây lan. Tiếp đến là phải khẳng định hai trường hợp này có bị lây nhiễm ở cộng đồng không để có biện pháp chống dịch phù hợp. Hiện, chuyên gia chưa loại trừ khả năng nào và cần thêm các bằng chứng, như kết quả giải trình tự gene virus, điều tra quá trình xét nghiệm, lịch sử dịch tễ, nhằm xác định rõ nguồn lây của người bệnh.
Trong lúc này, người dân cần tuân thủ biện pháp 5K. Những nơi tập trung đông người cần được trang bị nước sát khuẩn đầy đủ, kiểm soát người dân đeo khẩu trang. Các cơ sở y tế phải siết chặt, nghiêm ngặt thực hiện quy trình sàng lọc, phòng chống dịch bệnh.
Tính đến chiều 24/5, tổng cộng 18 ca dương tính liên quan khu đô thị Times City, gồm 4 người trong gia đình bệnh nhân 5243, 5242; 11 F1 của hai vợ chồng này; bệnh nhân 5240 và 5241 là hai mẹ con người Ấn Độ; bệnh nhân 2986 là chuyên gia Ấn Độ ghi nhận từ ngày 4/5.
Nguồn: vnexpress.net