Bệnh nhân bị teo tay, yếu cơ do mắc Hội chứng Lối thoát ngực (TOS) chưa từng ghi nhận tại Việt Nam, được chuyên gia đầu ngành của BVĐK Tâm Anh phẫu thuật thành công.
Bà Võ Thị Lại (58 tuổi, Bình Thuận) bị teo bàn tay trái từ năm 2018, ngày càng yếu ớt, tê bì, đau nhức, nhất là vùng ngón tay cái và ngón út. Bà từng được chẩn đoán Hội chứng ống cổ tay và đã 2 lần phẫu thuật nhưng không cải thiện.
Khi bệnh nhân tìm đến BVĐK Tâm Anh TP HCM tháng 6/2021, TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, nhận thấy có biểu hiện của tình trạng chèn ép dây thần kinh và mạch máu. Kết quả chụp cộng hưởng từ và điện cơ xác nhận tổn thương ở đám rối thần kinh cánh tay. Dây thần kinh bị chèn ép giữa lớp cơ và xương đòn số 1, xương sườn, gây tê, teo cơ dạng ngón cái.
Ekip liên viện, liên khoa gồm Thầy thuốc Nhân dân - GS.TS Nguyễn Việt Tiến, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP HCM; BS.CKII Võ Đôn, Khoa Nội thần kinh, BVĐK Tâm Anh TP HCM cùng các bác sĩ của hệ thống BVĐK Tâm Anh đã tổ chức hội chẩn để tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân Lại.
GS Nguyễn Việt Tiến, người có hơn 40 năm kinh nghiệm về vi phẫu, cho hay các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân Lại dễ gây nhầm lẫn thành Hội chứng ống cổ tay và Hội chứng ống Guyon. Tuy nhiên, đây là một ca hiếm gặp của Hội chứng chèn ép lối ra thoát ngực bên trái, gây tổn thương - tên tiếng Anh là Thoracic outlet syndrome (TOS).
Lối ra thoát ngực là nơi mà tất cả những mạch máu trong lồng ngực thoát ra, kèm theo hệ thống thần kinh chi phối tay trên, chi phối vận động và cảm giác của tay. Khi vùng này bị chèn ép sẽ làm giảm chức năng cơ, kèm theo gây rối loạn cảm giác như đau và tê bì. Nếu tình trạng chèn ép nặng, dần dần sẽ gây liệt. Đặc biệt, vùng tổn thương của bệnh nhân là thần kinh vùng ngực, giao thoa nhiều bộ phận quan trọng của cơ thể, rất khó để tiếp cận, dễ gây tổn thương nặng nề cho phổi, mạch máu.
"Y văn Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca bệnh nào như trên. Y văn thế giới tuy có mô tả nhưng cũng rất ít, không chi tiết các hướng dẫn can thiệp. Tôi cũng mới gặp trường hợp này lần đầu tiên", GS Tiến khẳng định.
Các chuyên gia của BVĐK Tâm Anh đã cùng phẫu thuật cho bệnh nhân Lại với mục tiêu là giải phóng đường đi cho dây thần kinh bị phù nề xơ dính. Để bóc tách từng sợi thần kinh bị phù nề xơ dính, các bác sĩ dùng đến hệ thống kính hiển vi vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss tiên tiến nhất hiện nay, giúp hạn chế tối đa những sơ sẩy nhỏ nhất.
Mất khoảng 60 phút để giáo sư Tiến xác định tiếp cận điểm hẹp lối ra của đám rối thần kinh và động mạch vì kẹt giữa xương sườn số 1 và xương đòn, bóc tách dây thần kinh, động mạch... Sau đó, tiến sĩ Nam Anh nhận nhiệm vụ cắt xương đòn bằng dụng cụ chuyên biệt Kerrison. Sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 tiếng thành công, các bác sĩ đã giải quyết được vấn đề chèn ép.
Mục tiêu điều trị tiếp theo là giải quyết vấn đề teo cơ do tổn thương mạn tính. Việc này đòi hỏi một kế hoạch tập vận động chủ động có kháng lực để tăng khối lượng cơ và làm mạnh cơ. Với các cơ nhỏ bàn tay có nhóm cơ khép bị yếu, bệnh nhân được dùng điện xung kích thích thần kinh cơ, hình quay, nhằm thúc đẩy tốc độ bình phục.
Một chương trình phục hồi chức năng - vật lý trị liệu được Trung tâm cơ xương khớp, chấn thương chỉnh hình BVĐK Tâm Anh đưa ra chi tiết, thực hiện ngay sau khi bệnh nhân hồi tỉnh để tranh thủ thời gian vàng phục hồi cho người bệnh. Ở giai đoạn hậu phẫu ngày thứ hai, bệnh nhân đã giảm tê tay đến 70% khi giơ lên quá đầu. Các ngón tay cũng dần hồng hào trở lại.
Hội chứng Lối thoát ngực là một nhóm các rối loạn không rõ ràng, với những đặc trưng như đau và dị cảm tại bàn tay, cổ, vai hoặc cánh tay. Bệnh phổ biến hơn ở phụ nữ và thường tiến triển trong giai đoạn từ 35 - 55 tuổi. Nguyên nhân của tình trạng này là do hẹp đường đi của thần kinh, có thể là bẩm sinh hoặc xuất phát từ một chấn thương nào đó khiến cho sợi thần kinh phù nề gây hẹp.
Triệu chứng của TOS là tê và teo khiến cho tay không có lực, khó khăn trong việc cầm nắm đồ vật. Đặc biệt hơn, với những trường hợp kẹt động (khi cử động tay mới gây chèn ép) như bệnh nhân Võ Thị Lại, bình thường thì không bị nên người bệnh khó nhận biết, khiến cho chấn thương lặp đi lặp lại gây phù nề, dẫn đến biến chứng bị liệt cánh tay vì dây thần kinh đã tổn thương không thể phục hồi.
Nguồn:vnexpress.net