Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục cảnh báo mối đe dọa từ ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người. Nguồn gốc của tác nhân gây ô nhiễm không khí đến từ các hoạt động của con người như khí thải của các xe cơ giới, hoạt động công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiệt điện, lọc dầu, đốt rác thải công nghiệp, nông nghiệp, các hoạt động nấu ăn, sưởi ấm nhiên liệu.
Ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Viêm phế quản: Đây là tình trạng viêm hoặc sưng của ống phế quản, đường dẫn khí giữa miệng, mũi và phổi. Tiếp xúc bụi mịn và khói từ môi trường ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây viêm phế quản. Theo nhiều nghiên cứu, nitơ dioxide ngoài trời là yếu tố nguy cơ chính gây viêm phế quản mạn tính ở nữ giới
Hen suyễn: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hen suyễn là căn bệnh mạn tính do viêm và hẹp đường thở, có thể gây ra cảm giác tức ngực, khó thở, thở khò khè và ho. Các nhà nghiên cứu phát hiện ô nhiễm không khí có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn và cũng là nguyên nhân khiến số người mắc bệnh này ngày càng tăng. Khí ozone, chất gây ô nhiễm ngoài trời phổ biến, có thể là tác nhân gây hen suyễn và kích thích phổi hoặc đường thở. Ảnh: Chestnet.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Nguyên nhân chính gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tiếp xúc lâu với các chất gây ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí cũng là tác nhân làm trầm trọng bệnh COPD. Khi tiếp xúc các hạt ô nhiễm, bệnh nhân mắc COPD dễ bị phát bệnh, cấp cứu, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Ở các nước kém phát triển, COPD chủ yếu xảy ra do sử dụng than để nấu ăn, sưởi ấm…
U xơ nang: Đây là bệnh di truyền kéo dài suốt đời có thể gây nhiễm trùng phổi dai dẳng và làm giảm khả năng thở theo thời gian. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ) phát hiện mối quan hệ đáng kể giữa lượng hạt mịn trong không khí với số lượng ca nhiễm trùng phổi liên quan u xơ nang. Mức độ ô nhiễm không khí cao có thể gây ra và làm trầm trọng thêm sự phát triển của căn bệnh này.
Các vấn đề về tim mạch: Các hạt nhỏ được tìm thấy trong không khí ô nhiễm có thể kích thích phổi và các mạch máu quanh tim. Theo thời gian, chúng có thể làm hỏng các mô của tim, cứng động mạch, tăng nguy cơ đau tim, huyết áp cao và đột quỵ. Nguy cơ càng tăng cao và rõ rệt ở người già, người mắc bệnh tiểu đường, béo phì, cao huyết áp.
Ung thư phổi: Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cho biết ô nhiễm không khí ngoài trời có thể là nguyên nhân gây ung thư. Các hạt nhỏ nhất trong không khí là PM10 và PM2.5 có liên quan ung thư phổi do ô nhiễm. Nguyên nhân có thể là các hạt này gây thiệt hại gốc tự do, làm hỏng ADN trong tế bào, dẫn đến ung thư. Tiếp xúc lâu dài với amiăng trong không khí có thể gây ung thư biểu mô phát triển trong niêm mạc phổi, dạ dày hoặc tim.
Đột quỵ: Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa tình trạng ô nhiễm không khí và nguy cơ tử vong vì đột quỵ. Người hít phải không khí ô nhiễm sẽ làm gia tăng fibrinogen (yếu tố tạo nên cục máu đông trong mạch máu). Đồng thời, sự gia tăng fibrinogen cũng làm tăng độ nhớt của huyết tương cũng như độ dính của hồng cầu, khiến máu khó lưu thông, dễ bị tắc lại và kết tụ thành cục máu đông.