Đau mắt hột là một bệnh về mắt phổ biến, bệnh thường có biểu hiện cộm xốn mắt, vướng mắt như có hạt bụi trong mắt, ngứa mắt, hay mỏi mắt…nếu không được chữa trị kip thời có thể dẫn đến mù lòa.
Đau mắt hột được gây ra bởi một loại vi khuẩn nhỏ ký sinh trùng, do vệ sinh kém, sử dụng nước không vệ sinh khiến các vi khuẩn lây nhiễm và sinh sống trong vùng mắt. Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch tiết mắt, mũi, cổ họng hoặc với người có bệnh đau mắt hột, hay gián tiếp qua ruồi hoặc côn trùng khác. Nguyên nhân là do vệ sinh kém, nguồn nước không hợp vệ sinh. Đau mắt hột phổ biến nhất ở trẻ nhỏ (3-5 tuổi), người lây cho anh chị em, bố mẹ, và bạn cùng chơi. Đau mắt hột có biểu hiện bệnh rất đa dạng, từ nhẹ không xuất hiện triệu chứng gì đến những trường hợp bệnh nặng kéo dài. Bệnh đau mắt hột có các triệu chứng như: ngứa mắt; cảm giác vướng như có hạt bụi trong mắt; đau nhẹ, cộm xốn trong mắt… Ở thể nhẹ hay gọi là mắt hột đơn thuần, tổn thương chỉ xuất hiện ở lớp biểu mô kết mạc. Người bệnh không có triệu chứng gì, hoặc chỉ ngứa mắt, xốn mắt, mỏi mắt, đôi khi hay chảy nước. Đối với thể nặng, tổn thương xâm nhập xuống những lớp sâu bên dưới của kết mạc mắt, có thể gây các biến chứng như: sẹo kết mạc, lông xiêu, chính lông xiêu hay còn gọi là lông quặm sẽ gây loạn dưỡng giác mạc và gây sẹo giác mạc làm giảm thị lực.
Điều trị bệnh mắt hột cần tuân theo phác đồ của bác sĩ. Khi bệnh ở giai đoạn hoạt tính cần tra thuốc mỡ tetraxyclin 1% (hoặc erythromycin) 8 giờ/lần ít nhất trong 6 tuần kết hợp với rửa mặt bằng nước và xà phòng. Bệnh nhân cần điều trị tại mắt theo phác đồ cách quãng. Đối với vùng có bệnh nặng: tra mỡ tetraxyclin 1% 12 giờ/lần trong 5 ngày liền hoặc mỗi ngày một lần trong 10 ngày liền; mỗi năm dùng ít nhất 6 tháng liên tục. Bệnh sau khi được điều trị vẫn có khả năng bị tái nhiễm.
Theo kienthucykhoa