Nhiều người bị ngứa không rõ căn nguyên. Những cơn ngứa này ngày một nghiêm trọng đến mức mất ngủ. Với kết quả xét nghiệm dương tính giun sán, nhiều người mắc sán chó, họ bàng hoàng khi biết nguyên nhân chỉ là do ăn rau sống, thực phẩm sống chứ họ không chơi với cả chó lẫn mèo...
ThS.BS Trần Thanh Long, trưởng khối điều trị phòng khám bệnh chuyên khoa ký sinh trùng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM, cho hay các bệnh giun sán như giun đũa chó, sán lá gan... rất phổ biến trong cộng đồng. Bệnh gặp ở mọi đối tượng, độ tuổi và nguy hiểm nếu điều trị không kịp thời.
Cách đây khoảng 4 năm, chị N.T.T. (38 tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM) bắt đầu cảm thấy ngứa ở cánh tay, ở đùi nhưng chỉ ngứa khoảng 1-2 ngày rồi hết. Công việc bận rộn nên chị T. cũng không chú ý đến những cơn ngứa này lắm nhưng sau này cơn ngứa đến ngày một nhiều hơn.
Gần đây, cơn ngứa đến với mức độ chị không thể chịu đựng được nữa. Cứ đi làm về, tắm rửa xong, chị phải ngồi gãi liên tục. Những chỗ chị gãi đỏ ửng lên như dị ứng, có nhiều đêm chị phải thức giấc vì ngứa.
Thấy bất thường, chị lên Internet tìm kiếm xem triệu chứng của mình là bệnh gì thì chị nghi mình có thể bị nhiễm ký sinh trùng.
Mới đây, chị đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM khám thì được xét nghiệm tìm ký sinh trùng. Kết quả xét nghiệm chị nhận được là bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó với mức độ nhiễm khá cao. Bác sĩ kê đơn thuốc cho chị uống trong 28 ngày nếu xét nghiệm lại thấy hết sán chó thì sẽ không phải uống thuốc nữa, còn không sẽ phải tiếp tục uống. Chị T. cho biết chị không chơi với chó mèo nhưng chị thường ăn rau sống.
Bệnh sán chó ở người là căn bệnh mà rất dễ mắc phải khi tiếp xúc với chó.
Bệnh sán chó hay còn gọi là bệnh kén sán chó, sán dây chó, nang sán chó… Do một loại giun tròn được gọi là giun đũa chó mèo do một loại ký sinh trùng sán dây thuộc giống Echinococcus, có tên gọi Toxocara canis hay toxocara cati gây ra.
Loại sán này phát triển trong cơ thể chó mèo, khi giun đẻ trứng, trứng sẽ theo phân ra ngoài môi trường và hóa phôi sau 1 – 2 tuần. Nếu nuốt phải trứng sẽ có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Triệu chứng của bệnh sán chó thường ẩn, khó nhận biết và không có biểu hiện cụ thể. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ sẽ thấy:
– Người bệnh có dấu hiệu ngứa khắp người, mệt mỏi, thường đau bụng, chán ăn, ăn không ngon, sụt cân, người nóng sốt, ho, thở khò khè…
– Nếu di chuyển lên phổi sẽ gây viêm phổi, suyễn, khó thở.
– Nếu di chuyển lên mắt sẽ gây viêm xung quanh mắt và các bệnh ở võng mạc.
– Nếu di chuyển lên não sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, người mệt mỏi, lờ đờ, có triệu chứng viêm não.
– Nếu ký sinh ở da sẽ tạo nên những cục u với sự tập trung của một lượng lớn các thể nang sán chó.
Do chó là loài động vật sống gần gũi với chúng ta nên khả năng mắc nhiễm bệnh sán chó ở người là rất cao. Một vài nguyên nhân khiến chúng ta mắc phải căn bệnh đó là:
– Khi chúng ta ăn phải thức ăn hoặc tiếp xúc với nguồn nước nơi có chứa ấu trùng sán chó.
– Tiếp xúc và gần gũi với chó cũng là nguyên nhân gây nên căn bệnh sán chó ở người.
– Ăn phải nội tạng của động vật có chứa sán chó do chưa chế biến và làm sạch kỹ.
– Trứng sán được phát tán ra bên ngoài khi chó đi đại tiện, chúng ta dọn dẹp dễ nhiễm phải bệnh sán chó.
Giun sán sau một thời gian sinh trưởng và phát triển trong cơ thể chó sẽ được phát tán ra bên ngoài môi trường xung quanh theo phân của chúng. Trứng sán chó thường rất khó chết trong điều kiện môi trường sống bình thường. Sau khoảng thời gian 1 đến 2 tuần thì những quả trứng này sẽ thành phôi.
Sau khi giun sán được phát tán ra bên ngoài môi trường chúng sẽ chờ cơ thể người hoặc vật chủ mới tiếp xúc, từ đó chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể chúng tao gây nên bệnh sán chó ở người. Khi chui vào cơ thể người chúng không phát triển ngay thành những con sán nhỏ mà vẫn ở dạng ấu trùng để có thể di chuyển dễ dàng trong cơ thể người qua thành ruột và các đường máu tới các vị trí khác nhau như gan, phổi, hệ thần kinh,…
Thời điểm này sán chó sẽ hình thành nên những khối u nhỏ di chuyển ở dưới da tạo thành các vết đỏ li ti, gây ra những tổn thương ở những nơi mà chúng đi qua. Tùy vào mỗi loại giun sán chúng sẽ tàn phá cho cơ thể khác nhau.
Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời bệnh sán chó sẽ ngày càng phát triển và gây ra nhiều mối nguy hại không thể lường trước được.
– Sán chó di chuyển vào nội tạng: Khiến người bệnh bị sốt, to gan, lá lách phình to và xuất hiện triệu chứng hô hấp như hen suyễn.
– Sán chó xuất hiện ở mắt: Khiến thị lực ở người bệnh bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí khi sán di chuyển có thể gây nên thương võng mạc dẫn đến tình trạng mắt bị lé hoặc mù lòa.
– Một số biến chứng khác do sán chó gây ra: Nhiều trường hợp người được ghi nhận là có biểu hiện bị viêm cơ tim, viêm thận, đau hệ thần kinh trung ương. Thậm chí bệnh sán chó ở người có thể khiến người bị bệnh tử vong.
Sán chó là bệnh có thể lây lan qua đường ăn uống hoặc lây trực tiếp sang người nếu tiếp xúc với chó bị sán mà không rửa tay sạch sẽ. Cho nên có thể phòng tránh bệnh bằng cách:
– Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
– Thực hiện ăn chín uống sôi, sơ chế thực phẩm kĩ, hạn chế sử dụng các loại rau sống.
– Tẩy giun định kỳ, tắm cho chó thường xuyên, không nên cho trẻ ngủ chung với thú cưng.
– Không cho chó thường xuyên vào nhà nhất là những gia đình có trẻ tập bò, đi đứng.
– Không cho bé nghịch đất, rửa sạch đồ chơi cho trẻ, tránh để bé ngậm đồ chơi hoặc đưa tay vào miệng khi tiếp xúc với chó mèo.
– Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
Ngoài ra, nếu trong nhà có nuôi chó mèo thì bạn nên đi xét nghiệm ký sinh trùng định kỳ 6 tháng - 1 năm/ 1 lần
Nguồn: Tuoitre.vn, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Trung tâm Xét nghiệm Buôn Ma Thuột