Theo một nghiên cứu mới, kết quả càng khẳng định những phụ nữ lớn tuổi ngồi trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
Một nghiên cứu trước đó với gần 6.000 người ở Mỹ, trên 18 tuổi, cho thấy 1/4 người ngồi hơn 8 giờ mỗi ngày. Được công bố trên JAMA và dựa trên dữ liệu được thu thập trong khảo sát kiểm tra dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia (NHANES) của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), nghiên cứu cho thấy chỉ có 3% số người được hỏi ngồi dưới 4 giờ mỗi ngày và hoạt động.
Trong nghiên cứu mới nhất do các chuyên gia của Đại học Giải pháp Y tế thuộc Đại học Arizona ở Phoenix (Mỹ), đăng tải trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), đã xem xét thói quen ngồi của phụ nữ sau mãn kinh bị thừa cân và béo phì. Phụ nữ tham gia nghiên cứu thuộc nhóm 55 tuổi trở lên. Trong nghiên cứu quan sát này, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu để xem tổng thời gian ngồi thay đổi theo nhóm và mức độ ảnh hưởng trên bệnh lý tim mạch vì bệnh tim ở phụ nữ vốn chưa được đánh giá đúng mức, mặc dù đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở phụ nữ.
1/3 phụ nữ sẽ chết vì bệnh tim
Phụ nữ lớn tuổi là nhóm dân số “tăng trưởng nhanh nhất” không chỉ ở Mỹ mà còn ở Việt Nam; sau khi mãn kinh, họ có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và đái tháo đường type 2. Vì lý do này, điều quan trọng là phải hiểu các hành vi ảnh hưởng đến nguy cơ như thế nào. Bằng chứng cho thấy việc ngồi nhiều không chỉ là một thói quen phổ biến mà còn liên quan đến bệnh lý tim mạch và tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Vì vậy, phụ nữ sau mãn kinh, nhất là trong tình trạng bị thừa cân hoặc béo phì, những người thường có thời gian ngồi tĩnh tại kéo dài có khả năng gặp các nguy cơ rối loạn chuyển hóa cơ tim rất cao.
Nghiên cứu đã xem xét 518 phụ nữ với độ tuổi trung bình là 63 và chỉ số khối cơ thể trung bình (BMI) là 31kg trên một mét vuông (kg/m2). Phân loại béo phì là chỉ số BMI trên 30 kg/m2. Những người phụ nữ này đeo một thiết bị theo dõi các vận động thể chất và ngồi một chỗ của họ trong 14 ngày đồng thời trải qua xét nghiệm máu để đo lượng đường trong máu và kháng insulin.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trung bình, những phụ nữ thường ngồi hơn 8,5 giờ - 9 giờ mỗi ngày, liên quan mật thiết với chỉ số BMI và vòng eo lớn hơn, cũng như lượng đường trong máu lúc đói insulin, triglyceride tăng cao hơn và có dấu hiệu kháng insulin. Tất cả đều là các yếu tố nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng mỗi ngày ngồi thêm 1 giờ dẫn đến tăng 7% tình trạng kháng insulin, và nếu cứ thêm 15 phút trong thời gian ngồi tĩnh tại không bị gián đoạn sẽ tăng trung bình gần 9% nguy cơ kháng insulin.
Kết quả nghiên cứu bước đầu còn cho thấy những phụ nữ ngồi lâu, cứ sau 15 phút ngồi không bị gián đoạn, mức đường huyết lúc đói tăng 5% so với những phụ nữ khác trong nghiên cứu, chỉ tăng 1%.
Chính vì vậy, bên cạnh việc khuyến cáo thay đổi chế độ ăn, vận động hay tập thể dục đều đặn, các bác sĩ còn khuyến khích mọi người, đặc biệt là phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh giảm thời gian ngồi, tổng thời gian ngồi hàng ngày và các lần ngồi không bị gián đoạn. Các nghiên cứu khác cho thấy thay thế thời gian ngồi tĩnh tại bằng hoạt động đứng lên - đi lại hoặc hoạt động nhẹ có thể thúc đẩy sức khỏe ở người cao tuổi.
Đứng lên ngồi xuống nên được thực hiện trong suốt cả ngày và không cần phải vận động mạnh cường độ cao hoặc đứng một thời gian dài, đã cho thấy tác động rõ rệt hơn đến đường huyết.
Dấu hiệu cảnh báo đau tim ở phụ nữ
Một cơn đau tim là tình trạng sức khỏe đe dọa tính mạng gây ra bởi sự gián đoạn trong dòng máu chảy đến tim. Biết các triệu chứng đặc trưng đau tim ở phụ nữ sẽ giúp chúng ta tìm kiếm sự chăm sóc y tế sớm hơn để được cứu sống. Phụ nữ có nhiều khả năng bị nhồi máu cơ tim hoặc hiển thị các triệu chứng bất thường thường vô cùng thầm lặng. Ngoài ra, do đặc tính sinh học khác biệt, phụ nữ dễ bị đau tim vì có một số bệnh làm tăng nguy cơ, chẳng hạn như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Nhiều nghiên cứu cho thấy 80% phụ nữ có ít nhất 1 triệu chứng 4 tuần trước khi bị đau tim. Các triệu chứng có thể kéo dài hoặc đến và đi. Các triệu chứng ấy ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Điều quan trọng đối với một phụ nữ gặp phải bất kỳ triệu chứng nào là cần tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức, vì các cơn đau tim có thể gây tử vong, bất kể các triệu chứng là nhẹ hay nặng.
Đau ngực
- Triệu chứng phổ biến nhất của đau tim ở cả nam và nữ là đau thắt ngực hoặc tức ngực khó chịu.
- Mệt mỏi hoặc bất thường
-Mệt mỏi bất thường thường được báo cáo trong những tuần dẫn đến đau tim. Ngay cả những hoạt động đơn giản không đòi hỏi nhiều gắng sức cũng có thể dẫn đến cảm giác kiệt sức.
Suy yếu
- Cảm thấy yếu ớt hoặc run rẩy là triệu chứng cấp tính phổ biến của một cơn đau tim ở phụ nữ. Triệu chứng này có thể kèm với chóng mặt, ngất xỉu, cảm thấy lâng lâng.
Khó thở
- Khó thở, nghẹt thở hoặc thở nặng khi không đang phải làm việc gắng sức, đặc biệt khi đi kèm với mệt mỏi hoặc đau ngực, có thể đó là các vấn đề về tim mạch.
- Một số phụ nữ có thể cảm thấy khó thở khi nằm, với triệu chứng giảm bớt khi họ ngồi thẳng.
Đổ mồ hôi
- Đổ mồ hôi quá nhiều mà không có nguyên nhân cũng là một triệu chứng cảnh báo đau tim phổ biến khác ở phụ nữ.
- Cảm giác lạnh và khó chịu cũng có thể là một dấu hiệu của các vấn đề về tim mạch.
Đau phần cơ thể trên
- Điều này thường không đặc hiệu, các vùng trên của cơ thể có thể bị ảnh hưởng bao gồm: cổ, hàm, phần lưng trên hoặc một trong 2 cánh tay.
- Cơn đau có thể bắt đầu ở một vùng cơ thể và dần dần lan sang chỗ khác, hoặc nó có thể xuất hiện đột ngột.
Rối loạn giấc ngủ
- Các chuyên gia ghi nhận gần một nửa phụ nữ than phiền các vấn đề về giấc ngủ trong vài tuần trước khi họ bị cơn đau tim tấn công. Những rối loạn này có thể liên quan đến: khó ngủ, thức dậy bất thường suốt đêm, cảm thấy mệt mỏi mặc dù ngủ đủ giấc.
Các vấn đề ở dạ dày
- Các vấn đề tiêu hóa khác liên quan đến cơn đau tim có thể bao gồm: khó tiêu, buồn nôn, nôn.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ngoi-suot-8-gio-nu-tang-nguy-co-tim-mach-dai-thao-duong-n170817.html
- Tải ứng dụng eDoctor để đặt câu hỏi trực tuyến cho Bác sĩ: https://dl.edoctor.io/taiapp