Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ Bệnh có thể được chữa khỏi nếu phát hiện bệnh sớm. Tuy nhiên phần lớn những người mắc bệnh không biết mình mắc bệnh bởi vì những dấu hiệu thường không quá nổi bật.
Trong nhiều năm gần đây, chính phủ các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu bày tỏ sự quan tâm nhiều hơn đến bệnh lý này và đưa ra những biện pháp khuyến khích tiêm ngừa từ khi còn nhỏ tuổi, nhằm giảm thiểu tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh.
Đường lây truyền phổ biến của virus HPV là đường tình dục, khi tiếp xúc da với da, niêm mạc miệng, hầu họng hoặc tiếp xúc với dương vật, tử cung, âm đạo, hậu môn của những người bị nhiễm.
Bên cạnh đó, virus này đề kháng với nhiệt và điều kiện khô nên có thể lây qua các dụng cụ cắt móng tay, kim bấm sinh thiết, đồ lót … HPV cũng có thể lây truyền dọc từ mẹ sang con trong lúc sinh và gây ra đa bướu gai đường hô hấp cho trẻ sơ sinh.
Theo thời gian, hệ thống miễn dịch có thể loại bỏ nhiễm trùng HPV. Tuy nhiên, một số chủng virus trở nên dai dẳng và có nguy cơ dẫn đến một số ung thư.
Những bé gái được tiêm vắc xin HPV, có thể giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung ở tuổi 30. Nữ giới trong độ tuổi từ 9-26 được tiêm phòng HPV sẽ đem lại hiệu quả phòng ung thư cổ tử cung lên đến 30 năm.
Các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu với 1,6 triệu phụ nữ trẻ Thụy Điển. Kết quả là những người tiêm vắc-xin HPV có nguy cơ chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung thấp hơn 2/3 so với những người không tiêm. Tỷ lệ này còn giảm hơn nữa, khi tiêm vắc-xin trước tuổi 17.
Chính vì điều này, bắt đầu từ năm 2006, các chuyên gia Hoa Kỳ đã khuyến khích các trẻ em gái nên tiêm vắc-xin HPV sớm nhất là 9 tuổi và 12 tuổi. Nếu bỏ lỡ thời điểm này, có thể tiến hành tiêm ngừa vào lúc 26 tuổi.
Tại Việt Nam, vắc xin phòng HPV được khuyến cáo tiêm cho nữ giới trong độ tuổi từ 9 - 26 tuổi, kể cả những người đã từng quan hệ tình dục, thậm chí đã từng nhiễm virus HPV.
Bởi vì trên thực tế, virus HPV rất dễ tái nhiễm - tức là sau khi cơ thể đào thải virus vẫn có khả năng nhiễm lại. Miễn dịch tự nhiên không đủ để phòng tái nhiễm, nhưng vắc xin lại làm được điều này. Hơn nữa, HPV có nhiều loại khác nhau. Nếu đã từng nhiễm một loại HPV nào đó trước đây thì vẫn nên tiêm vắc xin để tránh lây nhiễm những loại HPV khác.
Nguồn: Suckhoevadoisong.vn