Mất ngủ, khó ngủ hậu Covid-19 có thể kéo dài đến 12 tháng hoặc lâu hơn nhưng nếu xây dựng chu kỳ ngủ - thức đều đặn, bổ sung dưỡng chất… sẽ cải thiện sớm.
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí y khoa The Lancet, có 70% bệnh nhân sau nhiễm Covid bị mất ngủ và 45% bệnh nhân vẫn tiếp tục có rối loạn giấc ngủ sau 6 tháng nhiễm Covid trong số hơn 3.760 người ở 56 quốc gia. Một báo cáo khác cho thấy tình trạng mất ngủ, khó ngủ còn tồn tại ở 17% bệnh nhân sau một năm khỏi Covid. Tình trạng mất ngủ, khó ngủ hậu Covid rất thường gặp.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, mất ngủ hậu Covid-19 do nhiều nguyên nhân gây ra. Đầu tiên là do tác động trực tiếp của nCoV, đặc biệt virus đã được tìm thấy trong nhu mô não ở vùng vận động, hồi hải mã, hành khứu giác. Thứ hai là do sự hoạt hóa quá mức các tế bào miễn dịch - đại thực bào gây ra quá trình thoái hóa các tế bào thần kinh. Thứ ba là do giảm lưu lượng máu lên não, đặc biệt ở hệ viền - cơ quan kiểm soát cảm xúc của não bộ do tế bào nội mạc mạch máu bị tổn thương, hình thành cục máu đông.
Khoảng thời gian giãn cách vì dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến đời sống tâm thần của người bệnh. Không thể làm việc như bình thường, thất nghiệp, hạn chế đi lại, ở lâu trong nhà xem máy tính, tivi, điện thoại... với tác động của ánh sáng xanh càng làm người bệnh khó ngủ.
Ngoài ra, vấn đề tâm lý khi nhiễm Covid-19 như lo lắng về tình trạng sức khỏe, tài chính, công việc, mất người thân... cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Căng thẳng thúc đẩy cơ thể gia tăng sản xuất gốc tự do và kích hoạt các chất dẫn truyền thần kinh hoạt động quá mức trong não, làm cho người bệnh không thể hoàn toàn thư giãn. Khi não bộ và cơ thể luôn ở trạng thái căng thẳng sẽ rất khó để đi vào giấc ngủ.
Mất ngủ hậu Covid-19 cũng được cho là có liên quan đến một số loại thuốc điều trị Covid-19 như thuốc corticoide, kháng sinh... Sử dụng những loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ là mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn...
"Mất ngủ là vấn đề sức khỏe thần kinh, tâm thần nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống. Do đó, mọi người cần chủ động tìm kiếm giải pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ càng sớm càng tốt", bác sĩ Minh Đức nhấn mạnh.
Hầu hết các triệu chứng hậu Covid-19, kể cả tình trạng mất ngủ đều có thể cải thiện sớm hơn nếu chăm sóc sức khỏe toàn diện, đúng cách. Đối với những người đang phải đối mặt với vấn đề mất ngủ sau khi nhiễm Covid-19, điều đầu tiên cần thực hiện là đảm bảo tuân theo một chu kỳ ngủ - thức đều đặn.
Để tạo lập và duy trì được chu kỳ ngủ - thức, mọi người nên đi ngủ và thức dậy vào một thời điểm cố định (ngủ trước 11 giờ tối và thức dậy lúc 6 giờ sáng tất cả các ngày trong tuần); dành thời gian thư giãn và nghỉ ngơi vào buổi tối bằng cách nghe nhạc, đọc sách thay vì tập trung vào màn hình điện thoại hay máy tính để tránh ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử gây khó ngủ. Hạn chế ăn quá no, ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, uống rượu bia, cà phê, trà... trước khi đi ngủ 4-5 giờ.
Song song với xây dựng chu kỳ ngủ - thức đều đặn, mọi người cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày để nhanh phục hồi cơ thể và não bộ đã bị tổn thương do Covid. Theo đó, thực đơn ăn uống nên đa dạng các loại thực phẩm nhằm đáp ứng đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất chính là chất xơ, vitamin, chất đạm và tinh bột. Gia đình có thể tăng cường những thực phẩm tốt cho não bộ như cá hồi, khoai lang, cải bó xôi, quả việt quất, cam, bơ, sữa chua...
Bác sĩ Minh Đức chia sẻ thêm, một số dưỡng chất tự nhiên có lợi cho não bộ như blueberry và ginkgo biloba được chứng minh có khả năng vượt qua hàng rào máu não, góp phần trung hòa các gốc tự do trong lòng mạch và hỗ trợ kích hoạt các men chống gốc tự do tự nhiên trong cơ thể. Từ đó, chúng tăng cường lưu thông máu và dưỡng chất lên não, góp phần phục hồi kết nối và chức năng dẫn truyền thần kinh, hỗ trợ cải thiện mất ngủ.
Không chỉ chú trọng về dinh dưỡng, mỗi người cũng cần chú ý luyện tập thể dục thể thao. Tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày với những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, yoga... sẽ giúp quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi hơn, nâng cao sức khỏe, sảng khoái tinh thần, góp phần đưa giấc ngủ vào chu kỳ.
Với những trường hợp mất ngủ nặng và kéo dài, bác sĩ Minh Đức khuyên người bệnh nên khám với các bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh. Việc sử dụng điện não đồ cũng như điện cơ có thể giúp các bác sĩ phát hiện nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.
Hường Nguyễn
Nguồn: vnexpress.net