Hạnh phúc là khi được trở về bên vòng tay âu yếm của những người thân yêu, được thưởng thức món canh rau đay cà pháo mẹ hái trong vườn nhà, ngồi uống trà nghe cha tâm sự về những ngày xưa cũ.…..
Theo lời kêu gọi của Bộ Y tế và sự điều động của Sở Y tế, ngày 13/7, ThS. BS Nguyễn Văn Dũng (Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá) và 58 người con của Xứ Thanh với tâm thế và trách nhiệm cao cả của người bác sĩ "chữa bệnh cứu người", xung phong lên đường thực hiện nhiệm vụ, mong muốn góp một phần công sức cùng TP. Hồ Chí Minh đẩy lui dịch bệnh COVID-19.
Ngay khi xuống máy bay, sau khi ổn định chỗ lưu trú, đoàn đã lên đường đến Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP. Thủ Đức) cùng với y bác sĩ Bệnh viện 115 TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị đón những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên.
Nhận nhiệm vụ điều trị những bệnh nhân COVID nặng và nguy kịch, phải thở máy, thở oxy áp lực cao…, chỉ cần sơ sẩy là có thể tử vong ngay lập tức. Vì vậy, các bác sĩ phải luôn túc trực theo dõi và nỗ lực hết mình để cứu chữa bệnh nhân.
Do tính đặc biệt của bệnh nhân COVID-19 nên các bác sĩ vừa là người điều trị cũng là người chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân từ việc lăn trở, thay đồ, đặt ống nội khí quản, hút khí quản đến việc cấp cứu, theo dõi các chỉ số sinh tồn…
Bên cạnh đó cũng phải thường xuyên động viên, xốc lại tinh thần cho người bệnh để họ luôn suy nghĩ tích cực, không lo lắng ảnh hưởng đến bệnh tật.
Anh cho biết, thời gian đầu mới nhận nhiệm vụ, phải mặc đồ bảo hộ trong thời gian dài dưới thời tiết nóng bức khiến ai nấy cũng cảm thấy khó chịu, việc uống nước hay đi vệ sinh đều bất tiện.
Làm việc trong phòng hồi sức tích cực, nguy hiểm bủa vây xung quanh, hơn nữa lại tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân thường xuyên ho hắng, khạc đờm… nên bác sĩ có thể bị lây nhiễm chéo bất cứ khi nào.
Tất cả phải phòng hộ kín kẽ, để đảm bảo không lây nhiễm cho bản thân và những người xung quanh. Mọi nhu cầu cá nhân đều dồn đến giờ giao ca.
Như vậy vừa đảm bảo an toàn cho bản thân mà cũng tiết kiệm chi phí bởi mỗi lần ra khỏi phòng hồi sức là phải thay một bộ đồ bảo hộ mới mà trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng từng bộ đồ bảo hộ, đôi găng tay y tế, cái khẩu trang đều trở nên quý giá.
Anh Dũng cũng như hàng nghìn những y bác sĩ khác đang thực hiện sứ mệnh, thực hiện lời thề mà lúc bước vào ngành y các anh luôn theo đuổi: "Chữa bệnh cứu người", ở đâu có bệnh nhân ở đó có bác sĩ.
"Công việc tuy có mệt mỏi, vất vả hơn ngày thường nhưng còn cười nói, còn sức khỏe để cứu chữa bệnh nhân đã là may mắn và hạnh phúc rồi. Những khó khăn này làm sao sánh được với nỗi mất mát của những gia đình có người thân mất vì đại dịch..." ThS. BS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1, BVĐK tỉnh Thanh Hoá.
Hàng ngày anh Dũng chứng kiến những bệnh nhân nặng, đang cố gắng dành dụm từng chút sức lực để giành giật sự sống với tử thần, chứng kiến những người bệnh ra đi không người thân bên cạnh, những cụ già thoi thóp trên giường bệnh bên lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Một người sống tình cảm và giàu cảm xúc như anh thì điều đó như sự tra tấn tinh thần khủng khiếp.
Mỗi khi chứng kiến một bệnh nhân ra đi, là một lần anh đau đớn, là một lần dằn vặt. Dẫu biết rằng trong dịch bệnh hiểm nguy, tử vong là điều không tránh khỏi, và các bác sĩ cũng đã hết lòng để cứu chữa bệnh nhân, nhưng anh vẫn thấy day dứt.
TP. Hồ Chí Minh những ngày này đang trải qua đau thương. Số người mắc bệnh đã vượt quá con số 100 nghìn người, tất cả mọi hoạt động đều đã dừng lại. Trong màn đêm tĩnh lặng, ngồi đọc lá thư của những đứa cháu thân yêu gửi nơi quê nhà mà tiếng còi xe cứu thương cứ liên tục vang lên không khỏi khiến lòng anh xót xa.
Khi nghe tiếng xe cứu thương, người ta thường liên tưởng đến sự mất mát, đau thương nhưng trong những ngày này, tại thành phố sôi động này, có lẽ nó cũng là âm thanh duy nhất của sự sống.
Được nghe giọng nói trầm ấm của cha và được nhìn nụ cười hiền hậu của mẹ, nghe đứa con nhỏ bi bô gọi ba là lòng nguôi ngoai, bao nỗi mệt nhọc tan biến.
Vào trong này mới thấy sự sống đáng quý đến nhường nào. Lên đường chống dịch, bỏ lại quê nhà là cha mẹ già còm cõi, là vợ trẻ, con thơ khiến anh cũng chưa thể yên lòng. Bởi vậy mà hết ca trực, việc đầu tiên anh làm là gọi điện về nhà.
Đây không chỉ mong ước của riêng anh mà là mong mỏi của hàng nghìn y bác sĩ đang xa nhà đi chống dịch, của hàng triệu người dân Việt Nam lúc này.
Chúng tôi xin mượn lời của bức thư đứa cháu thân yêu nhắn gửi anh - người bác sĩ yêu quý và đáng mến của cả gia đình: "Chặng đường chống dịch còn dài, còn nhiều gian nan, vất vả nhưng với sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước, với sự đồng lòng của nhân dân và đặc biệt là sự cống hiến hết mình của những y bác sĩ, Việt Nam ta sẽ chiến thắng đại dịch, đất nước sẽ sớm trở lại những ngày bình yên".
Điều ước duy nhất của anh lúc này là mong sao dịch bệnh nhanh hết, nhịp sống sôi động trở lại, anh được trở về quê nhà bên vòng tay âu yếm của những người thân yêu, được thưởng thức món canh rau đay cà pháo mẹ hái trong vườn nhà, ngồi uống trà nghe cha tâm sự về những ngày xưa cũ, hít hà đứa con bé bỏng, các cháu tíu tít hỏi chuyện những ngày chú xa nhà đi chống dịch….
Nguồn: suckhoedoisong.vn