Khi bị dị ứng thuốc, việc cần làm của bệnh nhân là tham khảo ý kiến bác sĩ ngay. Việc tham khảo ý kiến bác sĩ cực kỳ quan trọng bởi việc đánh giá mức độ dị ứng thuốc liên quan đến nhiều vấn đề, rất phức tạp. Để bác sĩ đánh giá chính xác, bệnh nhân cần trả lời bác sĩ về những hiện tượng thường gặp như đau đầu, quá trình thay đổi các triệu chứng.
Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin các loại thuốc đã dùng cũng giúp ích rất nhiều cho quá trình đánh giá. Với những bệnh nhân đã từng bị dị ứng, cần cho bác sĩ biết về những tình huống này. Ngoài ra, các phép thử test cho một số loại thuốc nhất định cũng thường được thực hiện. Thậm chí, có loại thuốc phải tiến hành thử trong phòng thí nghiệm để xác định các chất kháng thể của hệ miễn dịch. Quan trọng hơn, việc thử test này còn giúp xác định các chất tạo dị ứng có trong máu người bệnh. Những kết quả này sẽ giúp cho việc điều trị và phòng chống tái phát hiệu quả hơn. Có nhiều dạng biểu hiện của dị ứng thuốc.
Mức độ dị ứng thuốc nặng nhất là sốc phản vệ. Người bệnh bị sốc phản vệ có các triệu chứng như xanh tím tái, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, trụy tim mạch, có thể dẫn tới tử vong. Hoặc nhẹ hơn, dị ứng thuốc có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan khác nhau: trên da nổi mề đay, mẩn ngứa; trên hệ hô hấp khó thở, hen suyễn; trên hệ tiêu hóa đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy; trên mắt bị đỏ kết mạc…
Dị ứng thuốc được phân loại theo 4 kiểu (gọi là loại 1, 2, 3, 4), trong đó loại 1 là “phản ứng tức thì kiểu phản vệ” xảy ra nhanh, xuất hiện sau khi bệnh nhân tiếp xúc với thuốc khoảng 15 phút. Loại 2 – “phản ứng độc tế bào” là loại phản ứng chậm hơn. Bệnh nhân bị dị ứng thuốc loại này xuất hiện triệu chứng sau vài giờ. Hoặc có loại xuất hiện sau vài ngày như hội chứng Stevens-Johnso, hội chứng Lyell gây bong da, tróc niêm mạch giống như bị bỏng toàn thân trông rất thương tật. Ở thuốc, bất cứ loại dược chất nào cũng đều có khả năng gây dị ứng thuốc.
Đứng đầu các thuốc dễ gây dị ứng là các kháng sinh và các thuốc có gốc là chất đạm (protein, peptid) như các hormon. Ngay như các vitamin C, vitamin B1 – những loại thuốc được xem là “hiền lành”, có thể phù hợp với đa số – cũng gây dị ứng thuốc (tiêm vitamin B1 có thể bị sốc phản vệ dẫn đến tử vong). Cần lưu ý đặc biệt hiện tượng gọi là phản ứng chéo giữa thuốc gây dị ứng với thuốc khác cùng nhóm. Chẳng hạn như, những người bị dị ứng với kháng sinh amoxicillin thì nguy cơ bị dị ứng với các thuốc khác nằm cùng nhóm gọi là nhóm penicillin và nhóm cepphalosporin cũng cao hơn rất nhiều so với người bình thường. Hoặc tương tự, những người đã dị ứng với aspirin cũng có thể bị dị ứng với các thuốc khác nằm trong nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Về cách dùng thuốc, ngoài dạng uống hay tiêm dễ bị dị ứng thuốc thì các loại thuốc cho tác dụng tại chỗ như thuốc bôi ngoài ra hay thuốc nhỏ mắt cũng có khả năng gây dị ứng. Trên thực tế, có người dùng thuốc nhỏ mắt có chứa sulfamid đã bị hội chứng Stevens-Johnson rất nặng hoặc thậm chí bị sốc phản vệ.
Theo Báo nông nghiệp, Medinet.hochiminhcity.gov.vn