Luyện tập thể dục là một phần quan trọng giúp bạn duy trì một sức khỏe vàng. Tuy nhiên, điều này dường như trở nên vô cùng khó khăn đối với những người đang gặp phải tình trạng nghẹt mũi khó thở. Vậy làm sao để khắc phục tình trạng này?
Cảm thấy khó thở là điều hoàn toàn bình thường trong khi tập thể dục khi bạn tăng cường độ luyện tập. Khi cơ bắp hoạt động, chúng cần thêm oxy từ máu và cần máu lấy đi lượng carbon mà chúng thải ra. Để đáp ứng điều này, nhịp thở và nhịp tim của bạn cần phải tăng lên.
Khi nghỉ ngơi, người tập thường thở khoảng 15 lần/phút. Khi tập luyện, nhịp thở của bạn có thể dao động từ 40-60 lần/phút. Khi tập thể dục thường xuyên, cơ bắp của bạn trở nên hiệu quả hơn và giảm được lượng oxy cần tiêu thụ.
Nếu có vấn đề về phổi do hút thuốc hoặc mắc các bệnh hô hấp, bạn sẽ thấy khó thở hơn sau khi tập thể dục. Điều kiện môi trường cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe phổi và hơi thở của bạn.
Tập thể dục trong thời tiết lạnh cũng gây tác động xấu tới phổi của bạn vì chúng làm việc để làm ấm và ẩm không khí bạn hít vào. Hãy tránh điều này bằng cách giữ cơ thể đủ nước, tắm nước nóng sau khi tập thể dục, đồng cần choàng khăn để giữ ấm nhé.
Phổi của bạn bắt đầu suy giảm dần theo độ tuổi. Ống thở và mạch máu của chúng ta sẽ trở nên kém linh hoạt. Trong đó, các túi khí dẫn oxy và carbon di chuyển ra vào mạch máu bắt đầu mở rộng. Điều này khiến việc chuyển giao oxy và carbon kém hiệu quả hơn. Tất cả những yếu tố này có thể khiến bạn cảm thấy khó thở hơn sau khi tập thể dục.
Ngoài ra, xương của bạn có thể trở nên yếu hơn. Điều này sẽ khiến lồng xương sườn của bạn cứng hơn, ngăn chặn chuyển động cần thiết cho hơi thở hoàn chỉnh.
Co thắt phế quản xảy ra khi ống thở đưa không khí vào phổi bị hẹp. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là hít phải không khí khô, ô nhiễm hoặc lạnh.
Nếu bạn hít bằng mũi, không khí sẽ được làm ấm và ẩm khi nó di chuyển vào phổi. Tuy nhiên, hầu hết mọi người có thói quen thở bằng miệng trong khi tập thể dục. Không khí đi vào phổi sẽ vì thế mà bị lạnh và khô. Điều này dẫn đến tình trạng khó thở sau khi tập luyện.
Hút thuốc gây tổn thương rất lớn đến phổi, làm giảm chức năng và khả năng của phổi. Tình trạng viêm nhiễm do hút thuốc sẽ giảm khi bạn bỏ thuốc. Bạn sẽ cảm nhận sự khác biệt tích cực trong hơi thở của mình ngay sau khi 2 tuần bỏ thuốc.
Hút thuốc là một trong những yếu tố chính dẫn đến sự phát triển của căn bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD). Các triệu chứng của COPD bao gồm ho, khò khè, khó thở sâu và đờm quá mức. Tất cả triệu chứng này sẽ làm cho việc hít thở trong và sau khi tập thể dục trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Các tình trạng phổi bất thường khác khiến bạn khó thở sau khi tập thể dục bao gồm xơ nang và bệnh phổi. Xơ nang được gây ra bởi một gen biến đổi làm một loại protein đặc biệt trở nên rối loạn.
Các triệu chứng của bệnh xơ nang có thể bao gồm ho dai dẳng, khò khè, khó thở và nhiễm trùng phổi thường xuyên. Bệnh viêm phổi kẽ cũng có thể gây ra vấn đề về hơi thở sau khi tập thể dục.
Hãy duy trì việc hít vào và thở ra bằng mũi. Ngoài ra, phương pháp thở mím môi cũng là một cách hiệu quả. Phương pháp này được thực hiện bằng cách hít vào bằng mũi, nhưng thở ra bằng miệng với môi chúm lại (giống như huýt sáo). Điều này giúp hơi thở được đều đặn hơn và duy trì sức chịu đựng trong suốt quá trình luyện tập.
Khi gặp phải tình trạng nghẹt mũi khó thở, điều quan trọng nhất là bạn phải lựa chọn các hình thức luyện tập phù hợp. Các môn thể thao hay các hoạt động đòi hỏi sự gắng sức cao độ như bóng đá và chạy đường dài sẽ là thách thức đối với các bệnh nhân khó thở. Trong khi đó, những môn thể thao với cường độ thấp như yoga, aerobic, đi bộ, đặc biệt là bơi lội, rất thích hợp với họ.
Đối với những bệnh nhân khó thở, đặc biệt là do bệnh hen suyễn gây nên, bác sĩ thường khuyên họ dùng các loại thuốc dạng xịt. Các loại thuốc này đóng vai trò như một phao cứu sinh giúp cắt giảm triệu chứng khó thở một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, các loại thuốc dạng xịt còn giúp bạn kéo dài thời gian luyện tập mà không cần phải lo lắng về tình trạng khó thở của mình.
Luyện tập thể dục ngay mà không khởi động có thể gây tổn thương cho cơ thể và đặc biệt nguy hiểm đối với những người đang gặp phải tình trạng nghẹt mũi khó thở. Bên cạnh đó, bạn cũng nên dành khoảng 5 phút để thư giãn sau khi luyện tập để giúp các cơ phục hồi tốt. Nếu bỏ qua giai đoạn khởi động trước khi tập và thư giãn sau khi tập, tình trạng khó thở của bạn có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Khi mắc bệnh cảm lạnh hay cảm cúm, bạn có thể sẽ cảm thấy nghẹt mũi khó thở. Thêm vào đó, nếu bạn không dành thời gian nghỉ ngơi mà vẫn cố gắng tập thể dục thì tình trạng khó thở sẽ trở nên trầm trọng hơn. Do đó, bạn nên hạn chế tập thể dục khi mắc bệnh.
Nếu cảm thấy khó thở trong quá trình luyện tập thì bạn nên dừng lại và nghỉ ngơi. Khó thở thường xuyên khi tập thể dục là dấu hiệu chứng tỏ bạn nên lựa chọn một hình thức luyện tập khác.
Tập thể dục là một cách tuyệt vời giúp bạn duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, hãy lựa chọn các môn thể thao hay các hoạt động phù hợp với bản thân để giảm thiểu tình trạng nghẹt mũi khó thở khi luyện tập.
Nếu tình trạng nghẹt mũi khó thở của bạn là một triệu chứng của bệnh hen suyễn hay các bệnh về đường hô hấp khác, đừng bỏ qua việc dùng thuốc thường xuyên để các hoạt động hàng ngày của bạn diễn ra bình thường.
Nguồn: tổng hợp