-Sốt cao co giật là một tình trạng lành tính, không gây tổn thương não. Ngay cả những cơn co giật kéo dài cũng gần như không bao giờ gây hại cho trẻ.
-Tần suất xảy ra sốt cao co giật ở trẻ khỏe mạnh là 1 trong 30 – 40 trẻ
-Độ tuổi phổ biến xảy ra sốt cao co giật là khoảng tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi
-Bạn không thể phòng ngừa cơn sốt cao co giật, vì vậy, nên giữ bình tĩnh, và thực hiện các biện pháp hỗ trợ và quan sát hợp lý cho trẻ trong cơn co giật.
-Nếu cơn co giật dài hơn 5 phút, nên cho trẻ đi cấp cứu.
-Nếu cơn co giật ngắn hơn 5 phút, nên cho trẻ đi khám bác sĩ sau cơn co giật, để đánh giá và tầm soát các bệnh nguy hiểm có thể gây ra triệu chứng sốt và triệu chứng co giật như viêm não, viêm màng não…
-Nếu bạn có lo lắng điều gì khác, nên cho trẻ đi khám bác sĩ để được đánh giá và tư vấn phù hợp.
Điều đầu tiên nên nhớ, là bạn không thể làm gì để cắt cơn co giật của trẻ cả! Vì vậy, tốt nhất là bạn nên bình tĩnh, đợi cơn co giật đi qua, và cố gắng tránh những việc làm có thể gây tổn thương hoặc gây hại thêm cho trẻ.
Cũng giống như cách xử trí các trường hợp co giật khác, nên nhẹ nhàng đỡ trẻ đang co giật nằm xuống một mặt phẳng an toàn, như sàn nhà, hoặc lên nệm. Nếu để trên giường, chú ý khả năng trẻ bị té xuống giường trong cơn co giật. Xoay lưng trẻ, để trẻ nằm nghiêng bên, và kê một cái gối mềm dưới đầu của trẻ. Đồng thời bạn nên nhìn xung quanh xem có đồ vật cứng, nhọn, dễ bể, dễ cháy…gần bên hay không. Nếu có, nên thu dọn những đồ vật này, phòng ngừa chấn thương thêm cho bạn và trẻ đang co giật. Trong thời gian co giật, bạn nên cố gắng theo dõi và ghi nhận những gì xảy ra:
-Thời gian co giật bao lâu?
-Co giật một bên hay hai bên? Tay hay chân, hay cả tay và chân?
-Trẻ có trợn mắt, gồng người hay không?
…
Để bạn có thể kể lại với nhân viên y tế sau này.
Nên lưu ý, ngoại trừ những điều nên làm kể trên, bạn không nên làm bất kì điều gì khác cho một trẻ đang co giật. Những thực hành thường gặp ở cộng đồng đối với người bị co giật, như đè lên người trẻ, bỏ vật cứng vào miệng trẻ (muỗng, đũa, cây đè lưỡi, hoặc bàn tay, ngón tay của người lớn…), hoặc vắt chanh, cho uống nước, uống thuốc hạ sốt khi trẻ đang gồng co giật; có người còn cố gắng làm động tác hô hấp nhân tạo cho trẻ khi trẻ đang co giật…là sai lầm và không được khuyến cáo thực hành.
Lý do là vì, co giật không làm trẻ ngạt thở, ngưng thở, hay tự nuốt lưỡi, tự cắn lưỡi của mình. Khi bạn cho vật cứng vào miệng trẻ, có thể gây ngạt, hoặc gây tổn thương thêm cho răng miệng trẻ, đồng thời có thể gây tổn thương cho chính bạn. Việc bỏ chất lỏng bất kì vào miệng trẻ là rất nguy hiểm, vì có thể gây ra nguy cơ hít sặc các dung dịch này trực tiếp vào phổi trẻ. Việc bỏ trẻ đang co giật vào bồn tắm với mong muốn hạ sốt cho trẻ, cũng là điều không nên làm, vì chẳng những không giúp được việc hạ sốt, mà còn có thể làm trẻ bị ngạt, hoặc sặc nước thêm.
Nguồn: Y Học Cộng Đồng
Đặt lịch hẹn cho bác sĩ Nhi khoa ngay hôm nay! Xem thêm>