Trong những năm gần đây, khi tình trạng ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo, con người phải tiếp xúc nhiều hơn với những nguy cơ gây ra dịch bệnh, sức khỏe dần trở thành vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng.
Phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” vì vậy được chú trọng hơn và khái niệm khám sức khỏe định kỳ cũng trở nên phổ biến với tất cả mọi người.
Khám sức khỏe định kỳ là phương pháp an toàn và hiệu quả giúp chẩn đoán sớm những bệnh nan y như tiểu đường, xơ gan, ung thư, cao huyết áp, suy thận, những bệnh lý về tim mạch, rối loạn nội tiết và cả những rối loạn về tâm thần kinh ...
Trong hầu hết các trường hợp, việc chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh tật có vai trò rất quan trọng, nhất là đối với bệnh ung thư. Theo thông tin từ các chuyên gia, ung thư phổi, nếu phát hiện và điều trị sớm ngay từ giai đoạn đầu thì tỷ lệ sống sau 5 năm điều trị có thể trên 30%, trong khi phát hiện và điều trị ở giai đoạn cuối, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ rơi vào khoảng 2-4%.
Với hầu hết các bệnh lý khác cũng tương tự vậy. Nhờ vào việc khám sức khỏe định kỳ, chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm, quá trình phòng ngừa, điều trị bệnh sẽ trở nên thuận tiện hơn, giảm thiểu khả năng chuyển biến nghiêm trọng của bệnh cũng như tỷ lệ tử vong.
Chẳng hạn, với những người béo phì trên 40 tuổi, tỷ lệ mắc phải tiểu đường loại 2 lên đến gần 40%, do vậy cần thực hiện lịch khám định kỳ đầy đủ để thử đường huyết và đường trong nước tiểu.
Từ những chỉ số có được thông qua phân tích mẫu máu và nước tiểu, bạn sẽ phần nào hiểu được tình trạng sức khỏe hiện tại của bản thân. Sự thấu hiểu này đóng một vai trò rất quan trọng, làm tiền đề cho việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày. Nhờ đó, bạn sẽ cảm thấy khỏe mạnh hơn, thoải mái hơn.
Thông thường, các bác sĩ, chuyên gia y tế luôn khuyến cáo mọi người nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ đều đặn, từ 1-2 lần/ năm. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều vào độ tuổi, tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình.
Do vậy, nên lựa chọn gói khám thích hợp để phục vụ nhu cầu của bản thân, tránh tình trạng lãnh phí tiền bạc, thời gian. Chẳng hạn, ở độ tuổi 18 – 30, khi khám sức khỏe định kỳ nên tập trung tầm soát các bệnh như viêm gan B, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tiền hôn nhân, … Đối với độ tuổi trung niên, việc khám định kỳ chủ yếu sẽ chẩn đoán và tầm soát bệnh mạn tính và ung thư.
Tham khảo thông tin gói khám sức khỏe tổng quát, cơ bản cùng eDoctor tại đây.
Nguồn: Tổng hợp