Gừng là một loại gia vị phổ biến, thường được người Việt sử dụng trong bữa ăn hằng ngày. Không những vậy, từ lâu, gừng đã nổi tiếng là một "vị thuốc" trong Đông y, có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý.
Hầu hết các lợi ích có được từ củ gừng là do sự hiện diện của một thành phần tạo nên vị cay đặc trưng của loại củ này, đó chính là gingerol. Cùng eDoctor tìm hiểu một số công dụng nổi bật của gừng, đặc biệt là gừng tươi qua những chia sẻ dưới đây nhé!
Một số nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng của gừng đối với tình trạng đầy hơi. Chất Cineol trong gừng có khả năng chống co thắt cơ trơn ruột, chữa dị ứng và diệt khuẩn
Ngoài ra, kháng sinh tự nhiên trong gừng giúp ức chế thần kinh trung ương, hỗ trợ giảm chứng mất ngủ. Chất shogaol và gingero cũng có tác dụng giúp giảm ho, hạ sốt, chống nôn, chống co thắt và ngừa viêm loét ruột, đại tràng, hỗ trợ giảm đầy bụng, chướng hơi.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng gừng có thể giúp giảm buồn nôn, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai đang trong giai đoạn ốm nghén và người sau khi điều trị ung thư.
Một nghiên cứu nhỏ từ năm 2010 đã kiểm tra tác dụng của gừng đối với chứng buồn nôn ở 60 trẻ em và thanh niên trải qua hóa trị. Phân tích cho thấy rằng gừng có khả năng giảm buồn nôn ở hầu hết những đối tượng tham gia khảo sát.
Không chỉ vậy, đến năm 2011, một nghiên cứu mới cho thấy rằng uống 1.500mg chiết xuất gừng mỗi ngày giúp giảm bớt các triệu chứng buồn nôn và hạn chế những vấn đề về đường tiêu hóa.
Từ xưa đến nay, hầu hết người Việt đã quen với việc sử dụng gừng để làm giảm cơn cảm lạnh hoặc cúm. Gừng tươi có vị cay, tính hơi ấm, tác dụng chống lạnh, giúp làm ấm cơ thể, tiêu đờm.
Vào năm 2013, các nhà nghiên cứu đã tiến hành tìm hiểu tác động của gừng tươi và khô đối với một loại virus đường hô hấp trong cơ thể người. Kết quả chỉ ra rằng gừng tươi có thể giúp bảo vệ hệ hô hấp, trong khi gừng khô không có tác động tương tự.
Cũng trong thời gian đó, một nghiên cứu nhỏ đã được thực hiện để kiểm tra sự phổ biến của loại thuốc thảo dược này như một phương pháp điều trị cảm lạnh hoặc cúm.
Sau khi thăm dò ý kiến của 300 khách hàng ở hai hiệu thuốc khác nhau, các nhà nghiên cứu xác định rằng 69% trong số những người tham gia khảo sát thấy được tác động của gừng đối với việc điều trị cơn cảm lạnh, cảm cúm.
Với liều lượng khoảng 2g gừng tươi hoặc gừng nướng mỗi ngày có thể làm giảm khoảng 25% cơn đau cơ do tập thể dục. Không chỉ vậy, gừng còn giúp giảm đau bụng kinh - cơn đau ngay trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt.
“Rượu gừng” từ lâu đã là phương thuốc hiệu quả để điều trị chứng viêm xương khớp của người Việt. Một đánh giá năm 2017 về 16 thử nghiệm lâm sàng đã xác định rằng hợp chất phytochemical trong gừng có đặc tính chống lại chứng viêm rất hiệu quả.
Gừng là một phương thuốc điều trị bệnh tim mạch an toàn. Nước cốt chiết xuất từ gừng giúp giảm sự xuất hiện các bất thường về tim mạch, đặc biệt là ở những người đang mắc bệnh tiểu đường. Điều này một phần có thể xuất phát từ các đặc tính chống oxy hóa của gừng.
Ngoài ra, gừng bảo vệ sức khỏe tim mạch bằng cách hạ thấp các LDL cholesterol (cholesterol xấu) và tăng nồng độ cholesterol HDL (cholesterol tốt). Hơn nữa, loại củ này cũng làm giảm nguy cơ đông máu, điều chỉnh tăng huyết áp và giữ cho trái tim luôn khỏe mạnh.
Gừng không chứa protein hay dồi dào các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, nhưng đây là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tuyệt vời. Do vậy, gừng có thể hạn chế sự tích tụ của các gốc từ do - hợp chất độc hại được tạo ra trong quá trình trao đổi chất hoặc bị tác động bởi những yếu tố khác.
Cơ thể cần loại bỏ các gốc tự do để ngăn chặn tình trạng căng thẳng, mệt mỏi và hạn chế những tổn thương ở các tế bào có nguy cơ dẫn đến nhiều loại bệnh, bao gồm cả ung thư.
Trong một thử nghiệm năm 2013, các nhà nghiên cứu cho 20 người tham gia uống 2g gừng trong 28 ngày. Những người tham gia đều có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng.
Sau đó tiến hành sinh thiết và kết quả cho thấy những người tiêu thụ gừng có ít thay đổi tiêu cực hơn trong các mô ruột.
Một số điều cần lưu ý khi sử dụng gừng:
Mặc dù gừng có rất nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe, tuy nhiên, không nên lạm dụng gừng quá mức. Trong trường hợp bạn là một trong những nhóm người dưới đây, nên cẩn thận trong việc ăn gừng hoặc uống nước gừng, trà gừng:
Người có cơ địa nóng, thường xuyên đổ mồ hôi
Người đang bị cảm nắng, sốt cao nhưng không bị lạnh, rét
Người trước và sau khi phẫu thuật
Người đang gặp phải tình trạng ho hoặc nôn ra máu, chảu máu chân răng, chảy máu cam
Ngoài ra, phụ nữ có thai có thể dùng gừng để hạn chế ốm nghén, tuy nhiên nên tham khảo ý kiến bác sĩ và sử dụng một lượng vừa đủ. Tuyệt đối không dùng chung gừng với các loại thuốc giảm đau như Aspirin, Coumarin mà cách ra khoảng 4 tiếng đồng hồ.
Nguồn: medicalnewstoday.com