Những cơn ho có đờm xanh kéo dài là dấu hiệu nhận biết của nhiều bệnh hô hấp khác nhau. Đôi khi, nếu không được điều trị sớm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bệnh nhân.
Vậy ho có đờm màu xanh là triệu chứng của bệnh gì? Tình trạng này có nguy hiểm không và làm sao để cải thiện? Lời giải đáp sẽ được eDoctor bật mí trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu ngay thôi nào!
Ho là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh viêm phế quản cấp tính. Nếu do virus, ho có đờm ít, màu trắng. Còn nếu ho có đờm xanh lá cây hoặc vàng thì viêm phế quản là do vi khuẩn. Cơn ho có thể kéo dài tới vài tuần.
Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ gặp tình trạng sốt từ 3 – 5 ngày, sổ mũi, đau lưng và các cơ, ớn lạnh, mệt mỏi, khó thở, thở khò khè hơn sau khi ho, viêm họng.
Viêm phế quản cấp ít khi dẫn tới biến chứng, nhưng cũng cần được chú ý và điều trị, tránh để tiến triển thành mãn tính sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Viêm phổi là tình trạng các phế nang trong phổi bị tổn thương vì một nguyên nhân nào đó và bị viêm, thường gặp nhất là vi khuẩn, virus và nấm. Một số trường hợp viêm phổi nhẹ có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, không ít trường hợp khác lại trở nặng và gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Khi bị viêm phổi, người bệnh thường ho có đờm xanh lá cây, vàng hoặc nâu (do lẫn máu), kèm theo đó những cơn đau tức ngực, khó thở hoặc thở khò khè. Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi, đổi mồ hôi, rùng mình, tim đập loạn nhịp, ăn không ngon; ít gặp hơn là đau đầu, mất lực, đau khớp và cơ, cảm thấy bối rối và mất phương hướng.
Nhìn chung viêm phổi là một bệnh nguy hiểm, dễ bị chẩn đoán nhầm với các tình trạng hô hấp khác. Vì vậy, khi thấy ho có đờm xanh và các dấu hiệu trên, bạn hãy đi khám bác sĩ để kiểm tra chi tiết hơn nhé!
Triệu chứng phổ biến nhất của giãn phế quản là ho có đờm xanh kéo dài dai dẳng với lượng đờm lớn mỗi ngày, hoặc đờm có thể trong hoặc vàng. Tuy nhiên, cũng có một vài người chỉ ho ra lượng đờm rất nhỏ hoặc không có đờm.
Ngoài ra, người bị giãn phế quản còn có một số biểu hiện khác như đau ngực, đau khớp, khó thở, thở khò khè, ho ra máu hoặc đờm lẫn máu, ngón tay dùi trống.
Bên cạnh đó, khi giãn phế quản tiến triển thành nhiễm trùng phổi, nó sẽ khiến triệu chứng trở nặng nhanh trong vòng vài ngày. Người bệnh ngày càng khó thở, ho có đờm đặc màu xanh, nhiều hơn bình thường hoặc đờm có mùi hôi khó chịu, ho ra máu, đau ngực dữ dội và rất mệt mỏi.
Phổi tắc nghẽn mạn tính là căn bệnh viêm đường hô hấp gây khó thở do đường thở bị hẹp lại so với bình thường. Ngoài khó thở, bệnh nhân sẽ gặp phải những cơn ho mãn tính kéo dài, đờm ngày một nhiều. Bình thường, đờm này thay đổi từ sủi bọt và trắng; nhưng nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, đờm sẽ chuyển màu hơi vàng hoặc xanh lá cây.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gặp nhiều nhất ở những người có thói quen hút thuốc lá, hoặc thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường hóa chất, không khí độc hại.
Theo một khảo sát từ Tổ chức Y tế Công cộng Anh (PHE), có đến 40% người được hỏi tin rằng thuốc kháng sinh có thể giúp chữa khỏi chứng ho có đờm xanh nhanh hơn. Tuy nhiên, sau đó, cả Tổ chức Y tế Công cộng Anh (PHE) và Đại học Đa khoa Hoàng gia Anh cho biết rằng không phải trường hợp ho có đờm xanh nào cũng là dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn gây nên.
Đôi khi, một chất gây kích ứng đường hô hấp nào đó, chẳng hạn như virus, chất ô nhiễm, phấn hoa, bụi bẩn cũng thu hút các bạch cầu của cơ thể tới để bảo vệ. Một số tế bào bạch cầu có chứa loại protein màu xanh lá. Nếu trong đờm có nhiều tế bào này cũng sẽ chuyển thành màu xanh. Trong khi đó, kháng sinh chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn và mỗi loại kháng sinh cụ thể cũng chỉ tác động được vào một số nhóm vi khuẩn nhất định. Những bệnh nhân ho có đờm xanh không phải do vi khuẩn khi sử dụng kháng sinh sẽ không mang lại bất kỳ tác dụng gì.
Ngoài ra, nếu lạm dụng kháng sinh sẽ khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng gia tăng. Thuốc trở nên kém hoặc hoàn toàn không có hiệu quả đối với vi khuẩn, sẽ rất nguy hiểm nếu bạn gặp phải tình trạng nhiễm trùng về sau. Do đó, việc dùng thuốc kháng sinh không phải lúc nào cũng cần thiết. Bạn cần phải thăm khám, làm xét nghiệm và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Đờm là chất nhầy từ đường hô hấp, được tiết ra để cản trở sự xâm nhập của các tác nhân bên ngoài. Màu sắc của đờm có thể cung cấp cho bạn nhiều thông tin về tình trạng sức khoẻ của mình.
Vậy, bên cạnh ho có đờm xanh, cơ thể chúng ta đang như thế nào khi ho có đờm màu vàng, nâu, đỏ, đen?
- Đờm trắng đục: một biểu hiện của viêm xoang và nghẹt mũi, bởi khi đường thở bị viêm, đờm trong đường hô hấp có thể bị đặc lại và chuyển sang màu trắng đục.
- Đờm vàng: vi khuẩn và vi rút đã tấn công vào đường hô hấp của bạn dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nhẹ.
- Đờm đỏ hoặc hồng: đường hô hấp hoặc phổi của bạn đang bị tổn thương dẫn đến xuất huyết. Một nguyên nhân khác là do ho nhiều dẫn đến vỡ các mạch máu gây nên hiện tượng chảy máu.
- Đờm nâu: cũng cảnh báo tình trạng chảy máu bên trong cơ thể, tuy nhiên, lúc này máu đã khô lại nên chuyển thành màu nâu
- Đờm đen: đường hô hấp của bạn có thể bị nhiễm nấm, đặc biệt là đối với những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức bổ ích cũng như biết cách chăm sóc sức khoẻ phù hợp hơn. Khi có triệu chứng ho có đờm xanh kéo dài, hãy nhanh chóng thăm khám bác sĩ nhé!
Nguồn: Hello Bác sĩ