Trong sinh hoạt hàng ngày, một số người có tập quán thích ăn rau sống. Nếu ăn phải các loại rau sống bị nhiễm bẩn, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm rất dễ có nguy cơ bị mắc bệnh ấu trùng sán lợn (Cysticercosis). Khi mắc bệnh ấu trùng sán lợn, biểu hiện triệu chứng bệnh lý tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang ấu trùng sán. Trên lâm sàng thường phát hiện được các nốt sán dưới da bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết. Bệnh nhân có thể bị động kinh, liệt tay chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc nhức đầu dữ dội... tùy thuộc vào vị trí ký sinh của ấu trùng sán ở trong não.
Người bệnh cũng có thể bị tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù lòa nếu ấu trùng sán ký sinh ở mắt. Tất cả các trường hợp bị mắc bệnh ấu trùng sán lợn sau khi chẩn đoán xác định phải được điều trị tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để theo dõi, giám sát nhằm đề phòng các tai biến có thể xảy ra. Bệnh nhân bị mắc bệnh ấu trùng sán lợn được đánh giá khỏi bệnh sau điều trị từ 3 - 6 tháng khi xác định hết các triệu chứng lâm sàng và hết nang ấu trùng sán hoạt động, ký sinh ở dưới da và trong não. Phòng bệnh ấu trùng sán lợn có hiệu quả nhất là không nên ăn các loại rau sống không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời phát hiện và điều trị sán dây lợn trưởng thành càng sớm càng tốt nếu bị nhiễm sán.
Theo suckhoedoisong.vn