Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao ở vị trí muỗi cắn thường có vết đỏ và hơi sưng lên. Chỗ sưng đó tuy hơi ngứa và khó chịu nhưng lại là một dấu hiệu quan trọng cho thấy cơ thể bạn đang được bảo vệ bởi hệ miễn dịch.
Hệ miễn dịch của con người là một mạng lưới các tế bào, mô và các cơ quan điều phối sự phòng vệ của cơ thể, chống lại bất kì mối đe dọa nào đến sức khỏe. Không có hệ miễn dịch, bạn sẽ rơi vào tình trạng phơi nhiễm với hàng tỉ vi khuẩn, virus và chất độc.
Hệ miễn dịch dựa vào hàng triệu tế bào máu trắng hay còn gọi là bạch cầu để phòng vệ. Thông thường, cơ thể con người có khoảng 4,000 đến 11,000 tế bào bạch cầu trong mỗi micro lít máu.
Bạch cầu di chuyển xung quanh và làm việc như những “nhân viên bảo vệ”, liên tục kiểm tra máu, mô, và các cơ quan, đặc biệt là những nơi có dấu hiệu bất thường. Hệ thống kiểm tra, chẩn đoán này hoạt động dựa trên việc nhận biết các kháng nguyên - những phân tử bám trên bề mặt mầm bệnh, tiết lộ sự hiện diện của “kẻ xâm lăng”. Ngay khi phát hiện ra kháng nguyên, các bạch cầu chỉ mất vài phút để tạo ra phản ứng miễn dịch, bảo vệ cơ thể.
Những mối nguy hại đối với sức khỏe là rất đa dạng, vì vậy, cơ thể bắt buộc phải tạo ra nhiều dạng phản ứng miễn dịch khác nhau. Điều này dẫn đến việc phân chia các tế bào bạch cầu thành nhiều loại.
Mặc dù sự đa dạng như vậy, có thể phân tế bào bạch cầu thành 3 nhóm tế bào chính: bạch cầu hạt, tế bào lympho và bạch cầu đơn nhân. Trong đó, bạch cầu hạt là các tế bào bạch cầu có các hạt nhỏ chứa protein. Bạch cầu đơn nhân chiếm khoảng 2 - 8% tổng số tế bào bạch cầu trong cơ thể. Chúng có mặt khi cơ thể chống lại nhiễm trùng mãn tính. Các bạch cầu đơn nhân nhắm mục tiêu và phá hủy các tế bào gây nhiễm trùng.
Trong khi quá trình miễn dịch diễn ra, cơ thể sẽ có các triệu chứng như sốt cao, vết thương hơi sưng. Đó là vì nhiệt độ cao sẽ khiến vi khuẩn và virus khó sinh sản, lây lan hơn. Ngoài ra, khi những tế bào bị tổn thương, cơ thể tiết ra một số chất đặc biệt làm sưng các mô xung quanh nhằm thu hút các thực bào tiêu hủy các loại vi khuẩn, virus.
Thông thường, phản ứng miễn dịch thường diễn ra trong khoảng vài ngày. Mục đích sau cùng của hệ miễn dịch chính là hạn chế mức độ ảnh hưởng của các vi khuẩn, virus lên cơ thể thông qua việc tạo ra các kháng nguyên.
Khả năng miễn dịch của mỗi người là khác nhau, nhưng theo nguyên tắc chung, nó sẽ hoạt động tốt hơn khi trưởng thành. Đó cũng là lý do tại sao thanh thiếu niên và người lớn có xu hướng bị bệnh ít hơn trẻ nhỏ.
Khi kháng thể đã được tạo ra, bản sao của chúng vẫn lưu lại trong cơ thể để nếu cùng một kháng nguyên xuất hiện trở lại, nó có thể tiêu diệt nhanh hơn. Đó là lý do tại sao với một số bệnh như thủy đậu bạn chỉ bị nhiễm một lần. Điều này được gọi là miễn dịch.
Tuy nhiên, hoạt động của hệ miễn dịch không hẳn là hoàn toàn tốt. Có một số trường hợp hệ miễn dịch không có khả năng phân biệt kháng nguyên hay kháng thể, hiểu nhầm và tấn công những tế bào khỏe mạnh.
Nguồn: TEDtalk