Tự thở oxy khi không cần thiết hoặc thở oxy liều cao không phù hợp có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn, thậm chí tử vong.
Oxy đã cứu rất nhiều người, nhất là bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà. Tuy nhiên, có oxy và máy tạo oxy rồi, người dân cũng rất cần biết cách sử dụng chúng an toàn và hiệu quả, để tránh những hậu quả đáng tiếc khi sử dụng oxy một cách cảm tính, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng, khuyến cáo.
Theo bác sĩ Dũng, sai lầm thường gặp khi sử dụng oxy là "chỉ định oxy trị liệu rộng rãi" quá mức cần thiết, ngay cả khi oxy máu ở mức bình thường. Một thống kê ở Anh cho thấy có đến 34% bệnh nhân sử dụng oxy lúc vận chuyển trên xe cấp cứu, 5-17% bệnh nhân nhập viện được nhận oxy ở bất kỳ thời điểm nào. Do đó, để quyết định có thở oxy hay không, người bệnh phải hỏi trực tiếp bác sĩ của mình.
Sai lầm nghiêm trọng hơn của người dân khi điều trị Covid-19 tại nhà là sử dụng oxy liều cao không phù hợp, vì nhận biết không đầy đủ về mối nguy cơ tăng oxy máu quá mức. Bác sĩ Dũng khẳng định, oxy không điều trị được khó thở, oxy chỉ giúp cải thiện tình trạng hạ oxy máu. Đồng thời, oxy không điều trị được các nguyên nhân gây hạ oxy máu. Thở oxy phải đi kèm điều trị nguyên nhân gây tổn thương phổi.
Thở oxy liều cao không phù hợp làm tăng oxy máu quá mức, cũng nguy hiểm không kém gì hạ oxy máu. Tình trạng tăng oxy máu sẽ làm ức chế trung tâm hô hấp, làm bệnh nhân giảm thông khí (giảm tần số, giảm biên độ hô hấp... hiểu đơn giản là không chịu thở). Người bệnh có thể bị phụ thuộc vào oxy, làm nặng thêm tình trạng mất cân bằng khí máu. Phổi có thể bị xẹp, mạch vành và mạch máu não có thể bị co thắt, lượng máu cung cấp cho tim bị giảm, hoặc các oxy gốc tự do sẽ phá hủy tế bào...
Thậm chí, tăng oxy máu quá mức có thể làm diễn tiến xấu đi đối với những bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp type 2 (bệnh phổi mạn tính), làm chậm nhận biết các diễn tiến lâm sàng đang xấu đi, vì bị che lấp bởi chỉ số SpO2 bình thường hoặc cao. Nghiêm trọng hơn, tăng oxy máu quá mức còn làm tăng nguy cơ tử vong của một số nhóm bệnh nhân, như tai biến mạch máu não nhẹ và vừa, ngưng tim, các bệnh nhân nằm hồi sức tích cực... bác sĩ Dũng cho hay.
Do đó, bác sĩ Dũng khuyến cáo, nếu muốn thở oxy, và thở oxy bao nhiêu lít/phút, người bệnh hoặc thân nhân phải hỏi bác sĩ để được chỉ định và hướng dẫn chi tiết.
Trong mọi trường hợp, nếu không có ý kiến bác sĩ, đừng cho bệnh nhân thở oxy cao hơn 5 lít/phút. Đối với bệnh nhân khỏe mạnh, SpO2 dưới 93% thì chỉ duy trì oxy vừa đủ để SpO2 đạt 94-96%.
Bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, SpO2 chỉ cần duy trì 88-92%, với liều oxy 1-2 lít/phút. Bệnh nhân suy tim, SpO2 chỉ cần duy trì xấp xỉ 90%, với liều oxy 3-5 lít/phút. Trường hợp cụ thể khác, người bệnh cần tham vấn các bác sĩ.
SpO2 là nồng độ oxy máu mao mạch, được đo ở đầu ngón tay, ngón chân, vành tai... Bác sĩ Dũng giải thích, trong một số bệnh cảnh như suy hô hấp (khó thở), suy tuần hoàn (hạ huyết áp) cấp tính, nghiêm trọng (sốc), cơ thể của chúng ta sẽ thích ứng bằng hiện tượng "trung tâm hóa tuần hoàn". Tức là, máu giàu oxy lúc này chỉ tập trung nuôi các cơ quan quan trọng, gồm tim, gan, thận, phổi, não... mà không đến trao đổi tại hệ thống mao mạch là môi, đầu ngón tay, ngón chân... nữa.
Chính vì thế lúc SpO2 tụt xuống dưới 93%, sẽ thấy môi, đầu ngón tay, ngón chân của bệnh nhân tím tái, lạnh... Đo SpO2 tại các vị trí này có thể xuống đến mức rất thấp, khoảng 20%, vì oxy tại đây vẫn tiếp tục được tế bào sử dụng, nhưng lại không được cung cấp mới. Mặc dù vậy, bệnh nhân được xử trí kịp thời, phù hợp, hoàn toàn có thể hồi phục.
Mọi thắc mắc về các vấn đề sức khỏe trong mùa dịch bạn có thể tải ngay ứng dụng eDoctor để được tư vấn trực tiếp từ các bác sĩ của chúng tôi.
Theo nguồn: Báo Vnexpress