* Làm thế nào để phòng một số bệnh đường hô hấp thường gặp ở thầy cô giáo?
- Hít phải bụi thường xuyên, giáo viên có nguy cơ viêm đường hô hấp, viêm phổi gây sốt, ho, từ đó có thể chuyển sang lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.... Cần làm sạch mũi, họng bằng nước muối sinh lý 0,9% vào sáng và tối trước khi ngủ. Nâng cao thể lực bằng ăn uống thức ăn giàu đạm để tạo máu, tạo kháng thể như: cá, thịt, trứng, sữa, rau xanh, trái cây. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính, uống thêm 2 lần sữa giàu năng lượng, giàu calci, sắt, kẽm, vitamin nhóm B, A, D… sẽ giúp tăng cường sức khỏe.
* Giảng bài nhiều thường bị đau rát họng, phải làm sao?
- Khi lên lớp, cần chú ý điều tiết giọng nói, nói vừa đủ nghe, nói từ từ, tránh la hét vì sẽ làm dây thanh âm bị căng ra, bị nóng lên dẫn đến viêm đau họng, khản tiếng, viêm phế quản, ho, có đờm. Khi thấy họng khô, nên uống vài ngụm nước chín hoặc nước chanh muối càng tốt, sau giờ lên lớp nên ngậm chanh ngâm với mật ong giúp hạn chế những tình trạng trên.
* Đau mắt, phải làm sao để giảm tình trạng này?
Hiện nay, với đặc thù công việc, giáo viên phải tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ phục vụ cho dạy học nên hầu như giáo viên nào cũng có những vấn đề về mắt. So với thế hệ giáo viên của những thập kỷ cuối thế kỷ XX, hình như giáo viên hiện nay cận (hoặc viễn) nhiều hơn. Tiếp xúc với điện thoại, máy tính, màn hình, máy chiếu quá nhiều có thể dẫn đến chứng ảo giác, hay các biểu hiện khác như mỏi mắt, khô mắt....
Để đề phòng, ngăn chặn, các chuyên gia khuyến cáo cần cải thiện điều kiện làm việc như chiếu sáng phù hợp, dùng màn hình chống loá, đặt màn hình ở vị trí phù hợp, tăng kích thước màn hình, phông chữ, kết hợp làm việc với giải lao, tập các bài tập về thể lực, mắt... Khi tiếp xúc với máy tính, điện thoại, các thiết bị về công nghệ quá lâu cũng sẽ xuất hiện bệnh đau đầu bởi tín hiệu trên màn hình được hình thành từ những tia điện tử phát ra và tạo bức xạ điện tử sẽ tác động lên đầu, não người dùng.
* Làm thế nào để giảm mệt mỏi, đau nhức xương khớp khi đứng lớp?
Khi giáo viên ngồi quá lâu, với tư thế cúi đầu, tạo căng thẳng cho đốt sống cổ, sẽ mắc “những chiếc cổ bị bệnh”. Thoái hoá đốt sống cổ, vôi hoá cột sống là một bệnh khá phổ biến hiện nay đối với giáo viên. Hơn thế, người sử dụng máy tính, máy tính bảng, điện thoại nhiều còn có thể dẫn đến bệnh viêm khớp tay. Nhẹ thì trật khớp, bong gân, giãn cơ, đau sưng, tấy đỏ; nặng thì tràn dịch khớp nhiễm khuẩn hoặc gãy xương...
- Để giúp cho cơ thể bớt mệt mỏi, đau nhức xương khớp, khi lên lớp nên đi giày đế bằng, chọn loại êm, nâng nhẹ bàn chân, khi đứng hoặc khi di chuyển sẽ ít đau nhức các khớp. Lúc giảng bài, thỉnh thoảng nên ngồi xuống ghế để giảm bớt sức chịu đựng của đôi chân, hoặc đi lại thật nhẹ nhàng, thả lỏng cơ thể. Trong ngày, nên uống ít nhất 2 lần sữa giàu calci, đạm và các khoáng vi lượng, giúp cơ thể nhận đủ vitamin và khoáng chất sẽ bớt mệt mỏi và xương khớp chắc khỏe, ít bị đau nhức.
* Việc giảng dạy với cường độ cao đôi khi gây căng thẳng cho các thầy cô giáo, làm gì để giảm tình trạng này?
- Nếu thấy tinh thần căng thẳng, nên bước ra hành lang lớp học, hít một hơi thật sâu, thật dài rồi thở ra từ từ để cơ thể nhận được nhiều oxy, đó là liều thuốc bổ cho não, giúp não minh mẫn và tinh thần sảng khoái, có thể hát khe khẽ sẽ giảm căng thẳng, buổi tối uống 1 ly sữa nóng trước ngủ sẽ giúp ngủ tốt, ngủ sâu, hồi phục thể lực sau một ngày dài làm việc căng thẳng.
Nghề dạy học chưa bao giờ là nhàn. Vì thế, mỗi giáo viên cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để giữ gìn sức khoẻ hạn chế thấp nhất việc mắc phải bệnh nghề nghiệp, có đủ sức khoẻ để phụng sự cho sự nghiệp trồng người.
Bài viết tham khảo: “ Sức khoẻ và đời sống"