Những ngày qua, thông tin về những hành động rung, lắc gây nguy hiểm không nhỏ cho trẻ được chia sẻ rộng rãi khắp trên các mặt báo, mạng xã hội... Sự thực về hành động nguy hại này không phải mới đây các nhà khoa học mới phát hiện ra mà là do người dân chúng ta lần đầu tiên chú ý.
Các bậc phụ huynh vẫn hay nghĩ rằng đây là những hành động thể hiện sự yêu thương hoặc chăm sóc tốt nhất cho trẻ như: đưa võng/nôi khi ngủ, bế thốc trẻ tung lên cao và hạ xuống, chơi trò chơi: "Máy bay cất cánh", đung đưa hoặc lắc mạnh để dỗ bé ngủ. Bản chất hậu quả của hành động này là Hội chứng trẻ bị lắc (Shaken Baby Syndrome) hay đôi khi được gọi là chấn thương đầu kiểu ngược đãi (Abusive Head Trauma) là dạng nặng của chấn thương đầu và não gây ra khi trẻ bị rung, lắc mạnh.
Ở trẻ sơ sinh, mọi bộ phận đều nhỏ, mềm và dễ tổn thương. Phần đầu của trẻ vốn đã chiếm 1/4 trọng lượng cơ thể và trong khối xương đầu sẽ có khoảng trống giữa não và xương sọ để cho não tiếp tục phát triển. Khối cơ của cổ lại quá yếu không đủ sức nâng đỡ đầu, nên khi bị rung lắc sẽ có khuynh hướng gập tới gập lui hay xoay qua xoay lại một cách không kiểm soát được. Khi bị rung lắc, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này, sẽ chuyển lực tới não, khi não không có sự di chuyển đồng bộ và gây ra sự va đập trở lại tới xương sọ, làm dập não, tăng áp lực, phù và chảy máu trong não. Các tĩnh mạch lớn dọc theo phía ngoài não cũng mỏng manh và dễ rách, gây chảy máu, máu tụ dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới màng nhện, tăng áp lực nội sọ. Những biểu hiện về hậu quả nguy hiểm này không thể hiện quá nhiều để bố mẹ trẻ có thể biết được. Những trẻ có biểu hiện nhẹ thì sẽ hay cáu gắt hơn bình thường, một số trẻ khác thì bị rối loạn tiêu hóa. Thường trẻ sẽ biếng ăn, ngủ lịm hoặc không chịu chơi đùa. Hoặc nặng hơn trẻ sẽ bị khó thở, cứng cổ, thậm chí là co giật. Ngoài ra, việc rung lắc trẻ còn gây ra những tổn thương khác rất thường gặp ở mắt, do chảy máu võng mạc, có thể gây nên giảm thị lực hoặc mù.
Các chấn thương khác có thể gặp ở cổ hay cột sống, hay xương sườn. Những biểu hiện của trẻ có thể là: - Trẻ sẽ giảm linh hoạt, lờ đờ, ngủ gà ngủ gật, không mỉm cười; - Trẻ sẽ không nhìn thấy, co giật, nôn mửa; - Da xanh tái, nhìn thấy rõ nhất vùng trán - Ăn, bú khó, khó nuốt hoặc nôn không có lý do rõ ràng. - Khó thở, ngừng thở hoặc co giật. - Những dấu hiệu cho thấy chấn thương cổ, sưng nề, cứng cổ, nghẹo về một bên - Trẻ sẽ ngừng thở, tím tái, hôn mê... Vì vậy, các bậc phụ huynh xin đừng yêu thương con mình bằng những hành động rung, lắc trẻ nữa nhé! Vì một tương lai khỏe mạnh của bé!