Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sẽ gửi công văn đề xuất Bảo hiểm Xã hội TP HCM tìm cách hoàn trả tiền bệnh nhân ghép thận đã mua ở ngoài khi bệnh viện thiếu thuốc trong khoảng 10 ngày qua.
Theo quy định hiện nay, thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế mà người bệnh đã tự mua, dù do bệnh viện thiếu thuốc, thì cũng không được hoàn trả. Tuy nhiên, trường hợp những bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc chống thải ghép giá cao ở ngoài, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đang tìm cách hỗ trợ.
"Bệnh viện sẽ trao đổi với Bảo hiểm Xã hội TP HCM, để cơ quan này đề xuất lên cấp cao hơn là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Y tế có hướng tháo gỡ cho người bệnh đã chi số tiền lớn để mua thuốc", bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Bệnh viện Chợ Rẫy nói.
Ngoài ra, trong thời gian chờ đấu thầu thuốc, những bệnh nhân có mã bảo hiểm y tế thuộc diện hộ nghèo sẽ được Phòng Công tác Xã hội của bệnh viện vận động chi phí để hỗ trợ tiền mua thuốc.
Trong ngày 28/4, bệnh viện đã họp các bộ phận liên quan, xin ý kiến Bộ Y tế để đấu thầu khẩn cấp một loại thuốc là Advagraf 5 mg, với khoảng 20% số lượng. Dự kiến, ngày 29/4, thuốc này về đến bệnh viện. Số thuốc còn lại sẽ được tổ chức đấu thầu rộng rãi, khoảng sau nửa tháng nữa sẽ cung ứng đủ cho bệnh nhân.
"Bệnh nhân phải bỏ ra số tiền lớn để mua thuốc, trong khi việc thiếu thuốc không phải là lỗi của bệnh nhân, bệnh viện cũng rất sốt ruột", bác sĩ Việt nói. Cụ thể, khoảng 10 ngày nay, Bệnh viện Chợ Rẫy hết một số loại thuốc trong danh mục Bảo hiểm y tế chi trả, nhiều bệnh nhân ghép thận phải mua bên ngoài tốn 6-15 triệu đồng. Bốn loại thuốc đặc trị chống thải ghép thận bị thiếu bao gồm Advagraf 5 mg; Advagraf 1 mg; Advagraf 0,5 mg; Cellcept 500 mg.
Đại diện bệnh viện cho biết nơi này dự trù đến tháng 7 năm nay mới hết thuốc cho bệnh nhân ghép thận. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, khi nới giãn cách do Covid-19, số bệnh nhân ghép thận từ các nơi về đăng ký theo dõi, tái khám định kỳ tại Bệnh viện Chợ Rẫy tăng hơn 20%.
Khi sắp hết thuốc trước thời điểm dự trù, cách đây hai tuần, bệnh viện đã tìm cách cung ứng. Tuy nhiên, đây là những thuốc thuộc nhóm đàm phán giá quốc gia, phải đợi Trung tâm đấu thầu quốc gia mua sắm xong thì bệnh viện mới mua lại được. Trong trường hợp thiếu thuốc, bệnh viện mới có thể thực hiện các hình thức mua sắm khẩn cấp. "Những điều này khiến bệnh viện rơi vào thế bị động, từ đó người bệnh bị ảnh hưởng quyền lợi", bác sĩ Việt cho biết.
Trong 30 năm qua, Bệnh viện Chợ Rẫy ghép thận thành công hơn 1.000 trường hợp, chiếm gần 1/5 số ca ghép thận trên cả nước. Khoảng 1.500 bệnh nhân đang theo dõi tái khám sau ghép tại Chợ Rẫy, bao gồm những bệnh nhân ghép từ một số các trung tâm khác chuyển đến điều trị.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam chiều 28/4 cho rằng việc chậm trễ trong đấu thầu khiến bệnh nhân thiếu thuốc là trách nhiệm của Bệnh viện Chợ Rẫy. Lý do là hiện nay việc mua sắm, đấu thầu thuốc chia làm ba cấp. Cấp quốc gia do Bộ Y tế đấu thầu tập trung một số loại thuốc theo danh mục; địa phương đấu thầu tập trung cấp tỉnh do Sở Y tế đứng ra; cơ sở khám chữa trực thuộc Bộ Y tế như Bệnh viện Chợ Rẫy được phân cấp tự đấu thầu. Với những gói thầu trên 5 tỷ do Bộ Y tế phê duyệt, dưới mức trên do bệnh viện tự quyết định nếu tự chủ tài chính.
Lê Phương
vnexpress.net