Do vị trí thận nằm ở dưới khung xương sườn, dựa vào cơ lưng nên nhiều người dễ bị nhầm lẫn giữa cơn đau thận và đau lưng.
Thận là hai cơ quan hình hạt đậu có kích thước bằng một nắm tay, nằm ở hai bên của cơ thể ngay cạnh tủy sống, ở nửa dưới của khung xương sườn và hông. Thận đảm nhiệm chức năng quan trọng trong cơ thể là lọc sạch nước, chất độc, axit và chất thải ra khỏi máu bằng cách biến đổi những chất này thành nước tiểu thải ra ngoài. Nếu không có thận, cơ thể sẽ không thể duy trì nồng độ muối, nước và khoáng chất như canxi trong máu.
Tuy nhiên, chính vai trò lọc chất thải khiến thận dễ bị nhiễm trùng hoặc tổn thương. Sỏi thận được tạo ra khi lượng canxi, phốt pho và oxalat dư thừa tích tụ. Khi sỏi có kích thước lớn dần có thể gây ra tắc nghẽn, với biểu hiện là đau nhói dữ dội.
Lưng của con người được tạo thành từ xương, cơ và dây thần kinh. Nếu bị tổn thương, các bộ phận của hệ thống cơ xương này có thể gây đau ở vùng trên, giữa hoặc dưới của lưng. Đau lưng cực kỳ phổ biến nên khả năng bị đau lưng cao hơn là đau thận.
Có nhiều nguyên nhân gây đau lưng, đơn giản là cơ bắp hoạt động quá sức, nằm ngôi sai tư thế hoặc khiêng nặng. Nếu gặp các vấn đề về thần kinh, đĩa đệm hoặc xương bị suy yếu, cơn đau sẽ dữ dội hơn và sâu hơn trong cơ thể. Những bệnh nhân bị đau lưng sẽ trải qua những mức độ đau khác nhau vào những ngày nhất định. Đôi khi, lưng chỉ hơi đau và người bệnh vẫn có thể sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, có cơn đau lưng nghiêm trọng đến mức cản trở khả năng vận động và khiến bệnh nhân phải nằm liệt giường.
Vì đau lưng là trải nghiệm phổ biến nên nhiều người thường không nghĩ tới khả năng thận mới là cơ quan thực sự gây ra cơn đau. Có thể rất khó để phân biệt chính xác điều gì đang gây ra sự khó chịu vì các vùng đau nằm gần nhau. Để biết mình bị đau lưng hay đau thận, hãy xác định xem vị trí đau nằm ở đâu, mức độ đau như thế nào và các dấu hiệu kèm theo.
Đau lưng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào ở lưng nhưng thường cột sống thắt lưng hoặc lưng dưới nơi bệnh nhân cảm thấy đau nhất. Đây là khu vực nâng đỡ trọng lượng cơ thể nhiều nhất, do đó dễ bị mỏi, chấn thương hoặc căng cứng hơn.
Người đau thận sẽ cảm thấy đau quặn ở hai bên sườn bên dưới khung xương sườn, ở hai bên cột sống. Có thể cảm nhận đau ở một bên hoặc cả hai bên.
Kiểu đau hoặc mức độ nghiêm trọng của cơn đau khác nhau tùy thuộc vào bộ phận nào đang gây ra vấn đề. Cảm giác đau cơ âm ỉ hoặc dao động. Đau dây thần kinh thường được mô tả là một cảm giác nóng bỏng, như luồng điện hoặc như dao đâm, truyền từ lưng dưới xuống chân và bàn chân. Đau xương do gãy đốt sống hoặc cột sống có hình dạng bất thường có thể xảy ra đột ngột và trầm trọng hơn khi cử động.
Trong khi đó, cơn đau thận âm ỉ, liên tục hoặc đau dữ dội theo từng đợt. Những viên sỏi thận nhỏ có thể được thải ra ngoài theo nước tiểu mà không gây tổn thương, nhưng những viên sỏi thận lớn hơn sẽ gây đau rát nó di chuyển từ thận đến niệu quản, ống nối thận với bàng quang.
Các cơn đau cột sống thường lan đến cổ và các chi. Nếu vấn đề là do dây thần kinh bị chèn ép hoặc đĩa đệm bị tổn thương, cơn đau cũng có thể lan xuống mông, mặt sau của đùi và chân hoặc mắt cá chân.
Cơn đau thận thì lan từ hai bên sườn xuống háng, đùi trong và bụng.
Đau lưng có thể kèm đau nhức hoặc cứng dọc theo cột sống, co thắt cơ, chuột rút cơ và một số cảm giác tê hoặc ngứa ran từ lưng xuống chân.
Các triệu chứng đi kèm phổ biến nhất của đau thận bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, sốt, nôn, táo bón, tiêu chảy, nước tiểu có màu sẫm hoặc đục, nước tiểu có máu, thường xuyên phải đi tiểu hoặc đau khi đi tiểu.
Đau lưng thường xảy ra do chấn thương, vận động sai tư thế hoặc vận động quá sức. Bạn có thể dễ dàng bị căng cơ khi chơi thể thao, tập quá sức hoặc nâng vật nặng không đúng cách. Ngay cả khi ngồi hoặc đứng quá lâu cũng có thể gây đau lưng. Các bệnh lý như viêm khớp, loãng xương và viêm cột sống cũng có thể gây ra đau cột sống.
Trong khi đó, thận là cơ quan kết nối với bàng quang và niệu quản, nên có nhiều nguyên nhân gây đau như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, nhiễm trùng thận hoặc chấn thương do tác động lực mạnh lên thận.
Đối với lưng, có nhiều nguyên nhân khác nhau nên phương pháp chữa trị cũng khác nhau. Đau cột sống sẽ giảm bớt khi nghỉ ngơi hoặc nằm xuống. Đau lưng nhẹ có thể dễ dàng được điều trị bằng cách nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc chườm nóng và lạnh. Nếu cơn đau kéo dài hơn hai tuần, có thể bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng hơn cần được chăm sóc đặc biệt, phục hồi thể chất hoặc tiểu phẫu.
Sẽ không có gì làm dịu cơn đau thận cho đến khi nguồn gốc của vấn đề được xác định. Nếu cảm thấy lo lắng vì không rõ nguyên nhân cơn đau, hãy đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Nếu nhiễm trùng thận, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Sỏi thận nhỏ sẽ không cần điều trị và tự khỏi. Uống nhiều nước cũng có thể giúp giải quyết vấn đề này. Mặt khác, nếu viên sỏi thận lớn, người bệnh sẽ cần phải phẫu thuật.
Nguồn: vnexpress.net