Tình hình dịch bệnh COVID - 19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, số ca nhiễm nCoV nhập cảnh Việt Nam ngày càng nhiều. Trước tình hình đó, kể từ ngày 21/03/2020, Việt Nam bắt đầu áp dụng việc cách ly tập trung 14 ngày đối với toàn bộ hành khách từ tất cả các quốc gia trên thế giới nhập cảnh vào Việt Nam qua đường hàng không. Đây là biện pháp mới nhất mà Hà Nội thi hành để ngăn chặn dịch Covid-19 từ nước ngoài lan vào Việt Nam.
Để đáp ứng được số lượng lớn chỗ cách ly, TP.HCM và Hà Nội đã trưng dụng ký túc xá sinh viên làm nơi cách ly tập trung số lượng lớn hành khách nhập cảnh vào Việt Nam.
Để đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người đang cách ly, UBND TP.HCM và Hà Nội đã huy động lực lượng dân quân tự vệ, tình nguyện viên để phục vụ kịp thời cho công tác cách ly.
Tại các khu vực cách ly tập trung, nhiều người đã đến các khu cách ly tập trung để tiếp tế thức ăn, vật dụng cá nhân cho người thân của mình. Tình trạng này khiến cho lực lượng đang phụ trách các khu cách ly phải phân tán lực lượng để phục vụ nhu cầu của người dân. Trước tình hình đó nhiều người đã đặt ra câu hỏi rằng “liệu có nên tiếp tục tình trạng tiếp tế cho người đang trong khu cách ly hay không?”, “tình trạng tập trung đông người liệu có khiến tình hình dịch bệnh tại Việt Nam diễn biến xấu đi?”.
Trước tình hình đó, một số chuyên gia trong lĩnh vực y tế đã đưa ra giải pháp cho tình trạng này:
Theo TS HUỲNH PHƯỚC THỌ (phó tổng giám đốc Công ty eDoctor - công ty ứng dụng công nghệ cung cấp dịch vụ y tế):
“Về mặt công nghệ, việc theo dõi quá trình di chuyển của một người có dùng thiết bị hỗ trợ định vị GPS như điện thoại di động là hoàn toàn khả thi.
Chỉ cần phát triển một ứng dụng được lập trình để ghi nhận và báo cáo quá trình di chuyển của người đang chịu cách ly (đi những đâu, theo tuyến đường nào, dừng lại trong bao lâu...); cảnh báo mỗi khi họ đi quá xa khỏi nơi cách ly; cập nhật lịch sử tương tác và gặp gỡ trong thời gian cách ly (giờ nào, gặp ai, ở đâu...) kể cả cập nhật tình trạng sức khỏe của họ (như thân nhiệt).
Tuy nhiên, hiệu quả của công nghệ vẫn phụ thuộc vào sự tự giác hợp tác của người chịu cách ly. Nếu không sẽ không kiểm soát được thông tin hoặc thông tin không đáng tin cậy.
Trong điều kiện thực tế hiện nay, chúng ta có thể kết hợp nhiều biện pháp cùng lúc. Cần tăng cường liên lạc, tương tác với những người tự cách ly tại nơi lưu trú thông qua điện thoại, email hoặc các công cụ trực tuyến khác.
Cần chuẩn bị và hoàn thiện các ứng dụng công nghệ phục vụ riêng cho công tác kiểm soát dịch bệnh. Xã hội hóa việc phát triển các ứng dụng này cũng là một hướng đi”
Trước khi có được giải pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa dịch bệnh thì mỗi người trong chúng ta hãy nâng cao ý thức vì cộng đồng, mỗi người dân hãy trở thành 1 chiến sĩ chống dịch, mỗi người dân luôn nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng chính là vũ khí lợi hại nhất để chống lại dịch bệnh ngay lúc này!