Nhanh chóng phủ vaccine rộng rãi và chuyển sang tiêm chủng sớm cho trẻ em - là chìa khóa giúp Cuba ngăn chặn làn sóng Omicron, theo các chuyên gia.
Biến chủng Omicron xuất hiện tại Cuba vào tháng 12/2021, song không khiến số ca nhiễm tăng rõ rệt như nhiều quốc gia khác. Đến nay, lượng người mắc mới của nước này giảm hơn 80%, theo dữ liệu chính thức. Số ca tử vong suốt làn sóng Omicron ở mức 10% trở xuống, hoặc luôn thấp hơn đỉnh dịch trước đó.
Nhìn chung, Omicron được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều so với Delta nhưng ít gây bệnh nghiêm trọng hơn. Dù tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng thấp, số ca mắc mới tăng vọt vẫn có thể khiến trường hợp nhập viện tăng theo, nhưng Cuba đi ngược xu hướng này. Chuyên gia virus Amilcar Perez Riverol tại Brazil cho biết Omicron đã "chật vật để cầm cự" tại Cuba, không khiến số ca nhiễm hoặc bệnh nặng tăng đột biến.
"Ở Cuba, Omicron có vẻ không tác động nghiêm trọng như Delta. Nó cũng không gây thiệt hại nhiều, tạo áp lực lên hệ thống y tế như với các nước khác", ông Perez Riverol nói.
Chìa khoá là chiến lược tiêm chủng Covid-19, đặc biệt tập trung vào trẻ nhỏ. Từ lâu, Cuba nổi bật trong nhóm nước đang phát triển vì cung cấp hệ thống y tế miễn phí, tập trung vào các biện pháp dự phòng như tiêm vaccine.
Tại các nước khác, trẻ em dễ nhiễm biến chủng Omicron. Một phần do chính phủ chưa phê duyệt vaccine Pfizer, Moderna hoặc Johnson & Johnson ở người dưới 5 tuổi.
Trong khi đó, Cuba tự phát triển vaccine Covid-19, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng đại trà cho trẻ em từ 2 tuổi, từ tháng 9/2021.
Hai loại vaccine nước này sử dụng là Abdala và Soberana 02. Vaccine Soberana 02 do Viện Finlay Vaccine phát triển, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp, không đòi hỏi bảo quản trong kho lạnh ở nhiệt độ âm sâu.
Abdala do Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) điều chế, là vaccine tiểu đơn vị, chứa các mảnh (protein) vô hại của nCoV thay vì toàn bộ mầm bệnh. Sau khi được tiêm chủng, cơ thể nhận ra các protein ngoại lai, từ đó tạo kháng thể và tế bào bạch huyết để tự bảo vệ (lympho T). Những tế bào này ghi nhớ và chống lại virus trong tương lai.
Theo dữ liệu chính thức của Cuba, 1,8 triệu trẻ em, thanh thiếu niên từ 2 đến 18 tuổi (tương đương 96% nhóm tuổi này) đã tiêm vaccine mà không gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Eduardo Martinez, Chủ tịch Công ty Dược phẩm BioCubaFarma, cho biết chiến lược này giúp Cuba ngược dòng trong làn sóng Omicron.
"Ở các nơi khác trên thế giới, virus lưu hành nhiều hơn ở trẻ em. Nhưng điều đó không xảy ra tại Cuba", ông nói.
Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, những yếu tố sau (liên quan đến vaccine) khiến Cuba thành công đẩy lùi Omiccron, đó là: Tập trung tiêm vaccine cho trẻ em, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng diện rộng, chương trình tiêm mũi ba triển khai nhanh chóng và "miễn dịch lai" ở những người nhiễm nCoV sau đó tiêm vaccine.
Cuba đến nay tiêm chủng đầy đủ cho 87% dân số, gần 94% đã tiêm ít nhất một liều. Nước này nằm trong top ba quốc gia có từ một triệu dân trở lên tiêm chủng nhanh nhất thế giới, theo Our World in Data.
Tình hình của Cuba trái ngược với Nhật Bản. Trì hoãn triển khai tiêm liều vaccine Covid-19 tăng cường khiến nước này hứng đợt bùng phát Omicron nghiêm trọng hơn so với các quốc gia phát triển khác.
Trước đó, Nhật Bản từng là dấu hỏi lớn đối với các nhà khoa học khi có thể giữ lượng người mắc mới ở mức rất thấp, dù không ban hành những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Chương trình tiêm chủng của nước này ban đầu hiệu quả, là một trong những quốc gia có tỷ lệ phủ vaccine cao nhất trong nhóm G7.
Dù vậy, khi Omiron lây lan, Bộ Y tế giữ nguyên quyết định tiêm nhắc lại liều thứ ba 8 tháng sau tiêm liều hai, trong khi các quốc gia khác đã rút ngắn khoảng cách giữa liệu trình tiêm chủng cơ bản và liều tăng cường xuống còn ba hoặc 6 tháng.
Sự chần chừ đó khiến Nhật Bản hứng sóng Omicron nghiêm trọng. Ngày 15/2, nước này ghi nhận 236 ca tử vong, con số tính theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Thục Linh (Theo Reuters)
Nguồn: Vnexpress.net