Người mắc hội chứng thận hư sẽ bị mất protein thông qua nước tiểu, bị giảm dịch ruột, bị phù gan và nội tạng, bị cổ trướng, dẫn đến việc suy dinh dưỡng và kém ăn.
Khi thiếu dinh dưỡng thì bệnh nhân sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn trong hội chứng thận hư như: viêm phúc mạc tiên phát, viêm phổi, viêm cơ, lao phổi... Nên cần có chế độ ăn thích hợp để giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm khuẩn này
Chất đường bột: các loại gạo, mì, khoai sắn, đều dùng được.
Chất béo: các loại dầu thực vật (dầu đậu tương, dầu mè, lạc, vừng...).
Chất đạm: các loại thịt nạc, cá nạc, trứng sữa, đậu đỗ... Nên sử dụng sữa bột tách bơ (sữa gầy) để tăng cường đạm và canxi.
Các loại rau quả: ăn được tất cả các loại rau quả như người bình thường, trừ trường hợp tiểu ít thì phải hạn chế rau quả.
Số lượng thực phẩm nên dùng trong một ngày:
Gạo tẻ: 250-300g, thịt nạc hoặc cá nạc: 200g, dầu ăn: 10-15g, rau: 300-400g, quả: 200-300g, muối ăn: 2-4g, sữa tách bơ: 25-50g, đường: 10g.
Lưu ý: Ăn nhạt hoàn toàn trong giai đoạn phù, khi hết phù có thể ăn 2 thìa cà phê nước mắm 1 ngày.
Hạn chế ăn chất béo bằng cách chế biến các món hấp, luộc. Hạn chế xào, rán, mỡ động vật. Không ăn các phủ tạng động vật như tim, gan, thận, óc, dạ dày... Trứng chỉ nên ăn 1-2 quả/tuần. Nếu bệnh nhân không tiểu được thì không nên ăn các loại quả có hàm lượng kali cao như cam, chanh, chuối, dứa, mận...
Nguồn: suckhoedoisong.vn