Điều trị ung thư là một quá trình khó khăn và người bệnh phải trải qua nhiều đau đớn. Trong suốt thời gian điều trị, bệnh nhân sẽ phải chịu các tác dụng phụ từ phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch,… Do vậy, người bệnh có thể ăn ít hơn và giảm cân. Đây là lí do tại sao việc duy trì cân nặng, áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, phục hồi để tiếp tục đảm bảo sức khỏe là điều rất cần thiết.
Vậy đâu là chế độ dinh dưỡng thích hợp đối với người đang điều trị ung thư và cần tránh những thực phẩm nào? Một số người cho rằng việc ăn đủ dưỡng chất khi bị ung thư là không tốt, vì được xem là “nuôi tế bào ung thư phát triển”. Liệu quan niệm này đúng hay không? Cùng eDoctor đọc qua những chia sẻ bên dưới để hiểu hơn nhé!
Trong quá trình điều trị và dự phòng ung thư, người bệnh cần tìm hiểu rõ để thực hiện chế độ ăn uống cho phù hợp vào loại ung thư, giai đoạn của bệnh và thể trạng của người bệnh. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là chọn thực phẩm dễ tiêu, hợp khẩu vị, chia nhỏ và ăn thành nhiều bữa nhằm bảo đảm cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể để duy trì được sức khỏe chống lại bệnh tật.
Quan điểm khi bị ung thư nếu ăn uống đầy đủ làm cho khối u càng phát triển nhanh là hoàn toàn sai lầm. Vì khi mắc bệnh ung thư, quá trình điều trị xạ trị, hóa chất sẽ khiến thể trạng người bệnh suy kiệt rất nhanh nếu không có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, người bệnh sẽ không có đủ sức khỏe để tiếp tục điều trị được, dẫn đến thời gian sống sẽ bị rút ngắn, tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và tử vong.
Về chế độ ăn uống cho người bệnh ung thư, nên ăn uống đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng từ tinh bột, protein, chất xơ và vitamin. Đặc biệt, bạn nên chú ý đến các quy tắc an toàn thực phẩm và cẩn thận hơn khi xử lý, chuẩn bị và lưu trữ thực phẩm.
Bên cạnh đó, những người đang điều trị hoặc mới điều trị ung thư nên tránh hoàn toàn một số loại thực phẩm, ngay cả khi đã từng ăn được những loại thực phẩm đó. Cụ thể:
Người bệnh nên kiêng hoặc hạn chế ở mức tối đa đồ ăn chế biến dưới dạng chiên xào, nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, thức ăn cay nóng. Chất kích thích như rượu, bia, café hay thuốc lá nên tránh tuyệt đối.
Cần tránh những thực phẩm có khả năng gây đầy hơi như đậu sống, tái, gia vị cay như ớt, hạt tiêu. Hạn chế ăn các loại thịt màu đỏ như lợn, trâu, bò, ngựa vì chúng là protein có cấu trúc phức tạp, khó tiêu, khó hấp thu hơn do cần tới nhiều enzyme để thủy phân.
Nên chế biến thực phẩm tươi bằng phương pháp luộc, hấp nhỏ lửa, không dùng các cách chế biến như nướng, hun khói, rán, tẩm ướp đường vào thịt khi chế biến.
Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế ăn rau má, các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao, rau cần, rau muốn trồng ở nơi nhiễm chì, … và sử dụng các chất kịch thích như rượu, bia, thuốc lá, ...
Như vậy chế độ ăn của bệnh nhân ung thư hay bất cứ trường hợp nào khác đều cần phải đảm bảo sự cân bằng và đầy đủ đề dinh dưỡng, người bệnh không nên kiêng quá cầu kỳ, loại bỏ hết những thực phẩm giàu dinh dưỡng. Hơn nữa, tùy vào từng người, từng bệnh ung thư mà có nhiều yếu tố khác, do đó người bệnh điều trị ung thư nên gặp bác sĩ điều trị để được tư vấn, trao đổi và thiết lập một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho riêng mình.
Nguồn: benhvienk.vn & cancer.net