* Bản tin cập nhật lúc 17h40 ngày 21-3
* Việt Nam có ca nhiễm Covid-19 thứ 92.
Theo thông báo từ Bộ Y tế, bệnh nhân thứ 92 là nam, 21 tuổi, trú phường 9, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, du học sinh tại Pháp.
Ngày 16-3, bệnh nhân đi từ Paris (Pháp) đến Doha (Quatar) trên chuyến bay của Hãng hàng không Quatar Airways số hiệu QR40, hàng ghế 29, tiếp đó trên chuyến bay cũng của Quatar Airways số hiệu QR970, số ghế 18D và tới sân bay Tân Sơn Nhất ngày 17-3.
Khi nhập cảnh, bệnh nhân chưa có triệu chứng bệnh, chuyển cách ly tập trung tại quận 12.
Ngày 17-3, bệnh nhân có sốt, đau họng, ho khan và được chuyển đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi ngày 18-3.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM xét nghiệm dương tính vào khuya 19-3, lấy mẫu bệnh phẩm chuyển Viện Pasteur TP.HCM cho kết quả xác định dương tính với SARS-CoV-2 ngày 21-3.
Hiện bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
--
Iran đã có 20.610 ca bệnh COVID-19. Số ca tử vong cũng tăng thêm 100 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 1.556, theo Reuters.
Timor Leste và Angola có ca nhiễm đầu tiên
Trong cuộc họp báo ngắn trên đài truyền hình quốc gia TPA, Bộ trưởng Y tế Angola Silvia Lutucuta cho hay nước này có 2 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên.
Bộ Y tế Timor Leste (Đông Timor) cũng ghi nhận ca nhiễm đầu tiên ở nước này. Bệnh nhân là người vừa trở về từ nước ngoài. Theo giới chức y tế, bệnh nhân này ít gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng vì đã tự cách ly và liên lạc ngay với bác sĩ sau khi có triệu chứng nhiễm bệnh.
Hong Kong đã tăng lên 273 ca nhiễm, trong đó có 1 em bé 20 tháng tuổi.
Bộ Y tế Indonesia ghi nhận thêm 81 ca nhiễm mới và thêm 6 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 450 và số ca tử vong lên 38. Hiện Indonesia là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất Đông Nam Á.
Bộ Y tế Philippines ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 lên tới 262 ca. Hơn một nửa dân số Philippines đang được đặt dưới các biện pháp cách ly nghiêm ngặt tại nhà để ngăn chặn virus corona lây lan.
*Thủ tướng Anh ra lệnh bán phong tỏa đất nước
Đêm 20-3 (giờ địa phương), Thủ tướng Anh Boris Johnson ra lệnh tất cả các địa điểm giải trí công cộng như nhà hát, rạp chiếu phim, nhà hàng, quán rượu hay phòng tập gym ở nước này phải đóng cửa để tránh sự lây lan của COVID-19.
Theo Reuters, lệnh bán phong tỏa toàn quốc của Anh chính thức có hiệu lực từ tối 20-3 và kéo dài cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Trước đó, Anh đã thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ trường học trên toàn quốc từ 20-3 và xem xét phong tỏa một phần thủ đô London để ngăn dịch lây lan.
Pháp, Ý, Tây Ban Nha và một số nước châu Âu khác đã yêu cầu người dân nên ở nhà, đe phạt nặng với một số trường hợp vi phạm lệnh phong tỏa phòng dịch. Ngay ngày đầu tiên áp dụng, Pháp đã phạt hơn 4.000 người.
Châu Âu hiện đang có số người chết vì COVID-19 chiếm hơn một nửa trong tổng số người chết toàn cầu.
Thái Lan thêm 89 ca, đóng cửa biên giới trên bộ
Bộ Y tế Thái Lan cho biết nước này vừa ghi nhận số ca nhiễm cao nhất trong 1 ngày vào ngày 21-3, với 89 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca toàn quốc lên 411. Trong số này, có 366 người đang được điều trị, 44 người đã hồi phục và 1 ca tử vong, theo Reuters.
Bộ Nội vụ Thái Lan ra lệnh cho các tỉnh trưởng của tất cả các tỉnh biên giới tạm thời đóng cửa biên giới từ ngày 22-3 để kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19. Tuy nhiên, mỗi tỉnh sẽ được phép duy trì mở cửa thường xuyên một cửa khẩu trong trường hợp cần thiết.
Bộ Giao thông Thái Lan cho biết Cục Hàng hải nước này đã ban hành lệnh mới, yêu cầu hành khách và thủy thủ đoàn nhập cảnh vào Thái Lan phải được tách riêng và cách ly theo yêu cầu của quan chức kiểm dịch.
Trước đó, Cục Hàng không dân dụng Thái Lan cũng đã đưa ra các yêu cầu tương tự.
* Số ca COVID-19 trong nước của Nhật vượt mốc 1.000
Đài truyền hình NHK của Nhật ngày 21-3 cho biết các ca nhiễm virus corona trong nước đã vượt mốc 1.000 ca, trong bối cảnh nước này đang vật lộn trước áp lực phải hoãn Thế vận hội Tokyo vào 24-7 tới.
Như vậy, tổng số ca COVID-19 tại Nhật là 1.728 ca, bao gồm 712 ca COVID-19 trên du thuyền Diamond Princess neo ngoài khơi nước này hồi tháng trước.
Trước đó, ngày 20-3, Nhật cho biết sẽ không gia hạn yêu cầu đóng cửa trường học, tạo tiền đề mở lại các lớp học vào đầu năm học mới, tức vào tháng 4, theo Reuters.
* Colombia phong tỏa toàn quốc
Tổng thống Ivan Duque cho biết nước này sẽ chính thức áp dụng giới nghiêm toàn quốc kể từ tối 24-3, biện pháp quyết liệt nhất mà quốc gia Nam Mỹ này thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Biện pháp này sẽ kéo dài trong 19 ngày, theo Reuters.
Colombia hiện có 158 ca COVID-19.
Cô dâu và chú rể người Palestine rời khỏi tiệm trang điểm tại thành phố Bethlehem gần Bờ Tây. Cặp đôi đeo khẩu trang và găng tay để bảo vệ bản thân trước dịch COVID-19 - Ảnh: AFP
* Singapore có 2 ca tử vong đầu tiên
Sáng 21-3, Singapore báo cáo 2 trường hợp tử vong liên quan đến virus corona. Đây là những ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 ở nước này.
Bệnh nhân tử vong là một người phụ nữ Singapore 75 tuổi và một người đàn ông Indonesia 64 tuổi.
Cho đến nay, đảo quốc Sư Tử đã ghi nhận 385 ca COVID-19.
* Mỹ điều máy bay chở 89 công dân về nước
Quân đội Mỹ cho biết một chuyến bay vận tải của Không lực Mỹ đã đưa 89 công dân nước này từ Honduras về nhà.
Đây là chuyến bay thứ hai của Không lực Mỹ trong ngày 20-3 để chở công dân về từ Honduras sau khi những người này mắc kẹt vì các hạn chế du lịch do COVID-19, theo Reuters.
Chuyến bay đầu tiên là để chở các thành viên trong một đội bóng đá nữ.
* Bộ Y tế Mexico ngày 20-3 cho biết số ca COVID-19 của nước này đã tăng lên thành 203 ca, tăng gần 1/4 so với tổng 164 ca của ngày trước đó.
* Hàn Quốc thêm 147 ca nhiễm
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 21-3 cho biết nước này có thêm 147 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 toàn quốc lên 8.799 ca.
--
*Theo thông tin từ Bộ Y tế: đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 91 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 17 ca điều trị khỏi (16 ca đã ra viện, 1 trường hợp là bệnh nhân thứ 18 đã 3 lần xét nghiệm âm tính, không còn ho, sốt, hoàn toàn khỏe mạnh và đã được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Ninh Bình sang Bệnh viện đa khoa Thái Bình theo dõi sức khỏe).
Trong các cơ sở y tế đang tiếp nhận và điều trị các ca dương tính, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện điều trị 34 ca, trong số này, nhiều bệnh nhân tại đây đã có kết quả xét nghiệm âm tính 1 lần, đó là bệnh nhân 17, bệnh nhân số 25 , bệnh nhân số 27 và bệnh nhân số 24 .
Về 2 trường hợp nặng đang điều trị tại đây, một trong 2 trường hợp này do tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh nên hội đồng chuyên môn cấp Bộ Y tế và tổ hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng- Bộ Y tế đã thống nhất chỉ định can thiệp ECMO.
Đồ họa: Ngọc Thành
--
Tính tới 2h sáng nay (21-3), theo các số liệu chính thức, số người chết vì COVID-19 ở Ý và Tây Ban Nha đã lần lượt vượt mốc 4000 và 1.000, Pháp ghi nhận 78 người chết trong 24 giờ.
Pháp, Ý, Tây Ban Nha và một số nước châu Âu khác đã yêu cầu người dân nên ở nhà, đe phạt nặng với một số trường hợp vi phạm lệnh phong tỏa phòng dịch. Ngay ngày đầu tiên áp dụng, Pháp đã phạt hơn 4.000 người.
Châu Âu hiện đang có số người chết vì COVID-19 chiếm hơn một nửa trong tổng số người chết toàn cầu.
*Một ngày tăng kỷ lục nữa số người chết ở Ý
Theo hãng tin AFP, ngày 20-3 Ý ghi nhận 627 người chết vì COVID-19, mức tăng kỷ lục mới theo ngày tại nước này, đưa tổng số người chết vượt qua mốc 4.000 bất chấp những nỗ lực chống dịch của chính phủ.
Tỉ lệ chết vì COVID-19 theo ngày ở quốc gia Địa Trung Hải hiện đã cao hơn những số liệu công bố chính thức của Trung Quốc vào thời điểm đỉnh dịch tại Vũ Hán, Hồ Bắc.
Ý đang trở thành tâm dịch COVID-19 mới của toàn cầu. Chỉ trong vòng chưa tới 4 tuần, nước này đã ghi nhận số người chết cao hơn số liệu thống kê chính thức Trung Quốc công bố kể từ khi mới bùng dịch cuối tháng 12.
Tính tới 2h sáng nay (21-3) giờ Việt Nam, tổng số người chết ở Ý là 4.032 người. Số ca nhiễm tăng thêm trong ngày 20-3 tại đây là 6.000 đưa tổng số ca bệnh COVID-19 của Ý lên 47.021.
Như vậy hiện tại, quốc gia 60 triệu dân này đang chiếm tới 36,2% số ca tử vong toàn cầu vì COVID-19 và tỉ lệ chết vì bệnh này lên tới 8,6%, cao hơn hầu hết các nước.
*Tây Ban Nha gần 20.000 ca nhiễm, hơn 1.000 người đã chết
Số người chết tăng cao cũng đã xảy ra tại một quốc gia châu Âu khác là Tây Ban Nha khi ngày 20-3 nước này có tổng cộng 1.002 người chết sau khi tăng thêm 235 người chết trong 24 giờ.
Số ca bệnh COVID-19 tại đây là gần 20.000 người, theo Bộ Y tế Tây Ban Nha.
Số ca nhiễm tăng vọt cùng số người chết vượt mốc 1.000 khiến Tây Ban Nha trở thành một trong 4 nước bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nhất thế giới.
Chỉ trong vòng 7 ngày qua, số người chết ở Tây Ban Nha tăng gấp 4 lần.
Một em nhỏ đeo khẩu trang đang đi ở gần khu Coloseum tại Rome ngày 10-3-2020 sau sắc lệnh phong tỏa toàn bộ nước Ý để phòng dịch COVID-19 - Ảnh: REUTERS
*Pháp có thêm 78 người chết trong 24 giờ
Ngày 20-3 Pháp ghi nhận thêm 78 người chết, nâng tổng số người chết vì COVID-19 của nước này lên 450 người.
Tổng cục trưởng Y tế Pháp, bác sĩ Jérôme Salomon cho biết hiện nước này có 12.612 ca nhiễm, song cảnh báo đây là "con số tối thiểu" so với số liệu thực những người nhiễm bệnh.
Ông Jérôme Salomon cũng nói hiện có 5.226 người đang trong viện và 1.300 người trong đó phải nằm phòng hồi sức tích cực.
"Có một nửa số bệnh nhân dưới 60 tuổi", ông nói, cảnh báo dịch bệnh cũng có thể tác động tới những người trẻ tuổi.
*Nhiều bang của Mỹ phát lệnh yêu cầu dân ở trong nhà
Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh quyết định của thống đốc các bang New York và California trong việc phát lệnh yêu cầu mọi cư dân ở trong nhà.
"Đó thực sự là hai điểm nóng", ông nói. Tuy nhiên ông Trump cũng nói ông không nghĩ cần phải thực thi một lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn nước Mỹ.
Ngay sau phát biểu của ông Trump, thống đốc bang Illinois và thống đốc bang Connecticut cũng đã yêu cầu mọi người dân ở trong nhà, hạn chế ra ngoài.
Các lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà này đặt 3 thành phố đông dân nhất của Mỹ là New York, Los Angeles và Chicago vào tình trạng phong tỏa.
Bang California, một trong những bang bị ảnh hưởng dịch nặng nhất ở Mỹ, có hơn 1.000 ca bệnh và 19 người chết. Bang New York tới nay ghi nhận hơn 7.000 ca và có 38 người chết.
Ngày 20-3 ông Trump thông báo Mỹ và Mexico đã nhất trí hạn chế việc đi lại không thiết yếu qua biên giới giữa hai nước, bắt đầu từ 21-3.
* Cuba, Bolivia đóng cửa biên giới, Brazil giảm mạnh dự báo tăng trưởng
Theo hãng tin AFP, Cuba và Bolivia ngày 20-3 công bố sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài để ngăn dịch COVID-19.
Lệnh đóng cửa biên giới của Cuba có hiệu lực từ thứ ba tuần tới (24-3) và kéo dài trong 30 ngày. Bolivia tuyên bố đóng cửa biên giới, tạm ngừng các hoạt động giao thông vận tải liên tỉnh, liên khu bằng đường bộ, đường sông cho tới hết tháng này.
Chính phủ Bolivia cũng đang nghiên cứu khả năng áp dụng lệnh cách ly toàn bộ. Nước này chỉ mới có 15 ca bệnh COVID-19 nhưng dự kiến tổ chức tổng tuyển cử ngày 3-5.
Brazil hạ sâu mức dự báo tăng trưởng năm 2020 xuống gần bằng 0, chỉ còn 0,02% trên cơ sở đánh giá tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Các nước châu Mỹ La tinh đang đẩy nhanh các biện pháp ngăn dịch khi tổng số ca nhiễm tăng hơn 3.000, số người chết lên 33 người.
Cập nhật liên tục diễn biến Covid-19 tại: https://corona.edoctor.io/
Nguồn: Bộ Y tế & https://tuoitre.vn/cap-nhat-dich-covid-19-ngay-21-3-the-gioi-da-co-hon-11000-nguoi-chet-tang-soc-o-y-va-tay-ban-nha-20200321055926559.htm