Nền nhiệt mùa Tết khiến đường hô hấp của trẻ dễ bị vi khuẩn, virus tấn công, các bệnh lý tiêu hóa tăng 20-25% so thông thường. Thời điểm giao mùa với những thay đổi đột ngột về thời tiết và khí hậu khiến nhiều tác nhân gây bệnh bùng phát. Số trẻ đến khám tại các bệnh viện, trung tâm y tế thường tăng vọt. Các bệnh hay gặp là cảm cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phế quản, hen suyễn, tiêu hóa.
NGUYÊN NHÂN TRẺ DỄ MẮC BỆNH VÀO DỊP TẾT - Trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi sức đề kháng còn yếu kém vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên rất dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công. - Trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nguy cơ nhiễm bệnh cao trong khi chưa ý thức được khả năng tự phòng bệnh. - Trẻ thường xuyên sống trong môi trường đông đúc như nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học… khi có một bạn nhỏ bị bệnh sẽ dễ lây lan các bạn khác. - Độ ẩm trong không khí thấp và nhiệt độ môi trường không cao, đặc trưng là khí hậu lạnh ẩm tạo điều kiện cho rất nhiều loại vi khuẩn, virus đường hô hấp phát triển mạnh và gây bệnh. - Việc ăn uống và bảo quản thức ăn ngày Tết không tuân thủ quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm làm phát sinh nhiều bệnh lý đường tiêu hóa.
MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP THỜI KHẮC GIAO MÙA VÀ DỊP TẾT Ở TRẺ - Nhóm bệnh về đường hô hấp. Nền nhiệt ngày nắng hanh, trong khi sáng sớm và đêm trời lạnh đã khiến đường hô hấp của trẻ dễ bị virus, vi khuẩn tấn công. Viêm đường hô hấp trên cấp tính như viêm họng, viêm mũi, viêm amidan, viêm VA, viêm tai giữa, viêm thanh quản cấp… ảnh hưởng sức khỏe và việc ăn uống. Bệnh có thể do tác nhân là virus hoặc vi khuẩn gây ra. Viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản cấp, viêm tiểu phế quản… Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời có thể gây hiểm nguy cho sức khỏe của trẻ. Bệnh cúm rất thường gặp trong mùa lạnh, khả năng trẻ bị nhiễm chiếm 1/3 dân số người bị mắc cúm hàng năm. Nếu không cẩn thận có thể gây nhiều biến chứng. Bệnh hen suyễn rất thường gặp vào thời khắc giao mùa, trẻ có tiền căn dị ứng và hen suyễn sẽ rất dễ lên cơn hen khi thời tiết trở lạnh đột ngột. - Nhóm bệnh về đường tiêu hóa rất thường gặp. Rối loạn tiêu hóa: Ăn bánh kẹo, uống nước ngọt nhiều hoặc trái cây chưng Tết có thể làm trẻ cảm thấy khó chịu vì hệ tiêu hóa phải chứa một lượng thức ăn ngọt quá lớn. Biều hiện thường gặp là trẻ bị đầy bụng, khó tiêu, đôi khi bị đau bụng dữ dội và hay gặp ở trẻ em bị nhiễm giun tiềm ẩn. Ngoài ra trẻ có thể bị tăng đường huyết bất thường làm trẻ phải đi tiểu nhiều và mất nước. Tiêu chảy cấp: Thường do trẻ ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh, thức ăn dự trữ lâu ngày hoặc sữa pha sẵn để quá lâu… Bệnh gặp nhiều ở trẻ dưới 2 tuổi. Tác nhân gây bệnh thường là siêu vi trùng, Rotavirus, E.coli, Shigella. Triệu chứng gồm tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có màu vàng hoặc vàng xanh, có thể kèm nôn hoặc buồn nôn, đau bụng hoặc sốt. Nếu bị mất nước nhiều trẻ có thể bị mệt lả, chân tay lạnh, mắt trũng, da khô, tiểu ít. Ngộ độc thức ăn: Là tình trạng bệnh lý thường gặp dịp Tết, nguyên nhân chủ yếu do sử dụng các loại thực phẩm tươi sống hoặc chế biến sẵn đã bị nhiễm khuẩn. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, triệu chứng thường gặp là trẻ bị đau quặn bụng, nôn ói nhiều lần, tiêu chảy, xuất hiện trong khoảng 1-6 giờ sau khi trẻ sử dụng các loại thức ăn bị nhiễm khuẩn này.
PHÒNG NGỪA CÁC BỆNH Ở TRẺ EM LÚC GIAO MÙA VÀ DỊP TẾT Luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ những ngày Tết, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Giữ vệ sinh môi trường sống tốt, trong lành, sạch sẽ và thoáng khí giúp trẻ phòng tránh bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp. Hạn chế sử dụng quạt máy, máy điều hòa nhiệt độ, tránh tình trạng bụi bẩn, khói thuốc lá, khói công nghiệp. Tạo cho trẻ thói quen rửa tay đúng cách thường xuyên hàng ngày, giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh nguy hiểm lây lan qua tay - miệng. Giữ ấm cơ thể trẻ khi thời tiết chuyển lạnh, nhất là những trẻ có tiền căn, tiền sử về dị ứng và hen suyễn bằng những biện pháp rất đơn giản như mặc thêm quần áo ấm, mang thêm vớ, đội thêm mũ hoặc quấn thêm chăn, mền ấm. Chế biến thức ăn ngày Tết cho trẻ cần tuân thủ tuyệt đối quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi phát hiện trẻ bệnh nên sớm đưa đến bác sĩ khám để chữa trị kịp thời và có lời khuyên hữu ích giúp phụ huynh chăm sóc trẻ tốt hơn trong thời gian bệnh. Tiêm chủng đầy đủ các mũi văcxin cho trẻ theo lứa tuổi để có cách phòng ngừa bệnh chủ động nhất và hiệu quả nhất.
Bác sĩ Đinh Thạc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM)