Nhiều nước ngỡ đã thoát khỏi Covid-19 nhờ chiến lược phong tỏa và tiêm chủng diện rộng, nhưng biến chủng Delta từ Ấn Độ bất ngờ đảo lộn tất cả.
Hôm 14/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo kế hoạch gỡ toàn bộ biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 tại nước này, vốn đã được ấn định từ lâu vào ngày 21/6, sẽ bị trì hoãn thêm 4 tuần do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta, giờ đây chiếm tới khoảng 90% số ca nhiễm mới ở Anh.
"Chúng tôi hiểu logic vô cùng tàn nhẫn của sự gia tăng theo cấp số nhân này", Thủ tướng Johnson đề cập đến số ca nhiễm nCoV đang tăng vọt, nói thêm rằng việc lùi lịch tái mở cửa hoàn toàn đến ngày 19/7 sẽ giúp cứu sống hàng nghìn mạng người.
Bằng chứng rõ ràng nhất cho quy luật tàn khốc mà Thủ tướng Anh nhắc tới là tình hình Covid-19 ở Ấn Độ. Một làn sóng dịch kinh hoàng đã nhấn chìm nước này khi biến chủng Delta phát tán rộng rãi, đẩy hệ thống y tế đến tình cảnh "vỡ trận" với khoảng 400.000 ca nhiễm mỗi ngày hồi đầu tháng 5, các lò hỏa táng luôn đỏ lửa, nhiều thi thể bị thả trôi trên sông.
Mặc dù số người nhiễm mới hàng ngày tại Ấn Độ đã giảm sau khi đạt đỉnh, con số vẫn ở mức cao đáng báo động, với khoảng 62.000 ca mới hôm 16/6.
Tuần trước, giới chức Mỹ cho biết biến chủng Delta chiếm khoảng 6% số ca nhiễm nCoV mới tại nước này, trong khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thêm Delta vào danh sách "những biến chủng đáng lo ngại". Dù Delta có thể chưa làm đảo lộn kế hoạch tái mở cửa của Mỹ, một số chuyên gia vẫn cảnh báo thận trọng với biến chủng này, khi tốc độ tiêm chủng gần đây chững lại.
"Nếu đang sống tại khu vực có mức độ tiêm chủng Covid-19 thấp, hoặc bản thân chưa được tiêm, bạn rõ ràng là đối tượng dễ bị tổn thương", Andy Slavitt, cựu cố vấn cấp cao về phản ứng với Covid-19 của chính quyền Tổng thống Joe Biden, cho biết.
Mỹ được dự đoán sẽ không đạt được mục tiêu mà Biden đặt ra là tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 cho 70% người trưởng thành trước ngày quốc khánh 4/7. Con số này hiện nay là khoảng 65%. Giới chuyên gia y tế cho rằng việc người dân ngần ngại tiêm chủng, cùng sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh hơn, đã khiến số ca nhiễm nCoV và nhập viện ở một số bang gia tăng.
"Đây là cuộc chạy đua giữa chiến dịch tiêm chủng Covid-19 cho người dân với những biến chủng đang và sẽ hoành hành", tiến sĩ Lee Norman, người đứng đầu cơ quan y tế bang Kansas, Mỹ, nhận định.
Phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến hôm 16/6, Maria Van Kerkhove, quan chức phụ trách kỹ thuật Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết biến chủng Delta đã được phát hiện tại hơn 80 quốc gia trên thế giới. Các chuyên gia y tế cộng đồng cũng đang theo dõi kỹ lưỡng những đột biến mới của biến chủng này.
Bình luận viên Adam Taylor của Washington Post chỉ ra vấn đề quan trọng là nCoV đã lây lan quá rộng rãi, đến mức có rất nhiều cơ hội để đột biến. WHO đang theo dõi hơn 50 biến chủng. Dù hầu hết chúng không được coi là đáng lo ngại, có 4 biến chủng được xếp vào danh sách cần quan tâm đặc biệt, bao gồm Delta, hay còn có tên B.1.617.2.
Biến chủng Delta, được phát hiện lần đầu hồi tháng 10/2020 tại Ấn Độ, có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với Alpha, biến chủng lần đầu được phát hiện tại Anh, giới chức Anh cho biết. Một số nghiên cứu còn cho thấy biến chủng Delta dẫn đến tỷ lệ nhập viện lớn hơn, dù bằng chứng vẫn hạn chế.
Tin tốt là các vaccine Covid-19 vẫn bảo vệ những người đã tiêm đầy đủ trước biến chủng Delta. Những nghiên cứu của Anh cho thấy cả vaccine của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca đều đạt hiệu quả cao trong việc chống lại bệnh diễn tiến nặng khi tiêm đủ hai liều, với tỷ lệ hiệu quả tương ứng là 88% và 60%.
Tuy nhiên, hiệu quả của cả hai loại vaccine này đều giảm xuống 33% nếu chỉ tiêm một liều. Đây là lý do các nước đang nỗ lực vận động để đảm bảo người dân tiêm đủ hai liều, đặc biệt là Anh, nơi chính phủ từng theo đuổi chiến lược trì hoãn tiêm liều vaccine thứ hai.
Mặc dù biến chủng Delta xuất hiện thông qua quá trình đột biến tự nhiên, các yếu tố do con người được cho là đã thúc đẩy sự lây lan của virus. Tại Anh, việc tập trung ưu tiên tiêm liều vaccine đầu tiên có thể đã khiến nước này nhận "trái đắng". Nhiều nhà phê bình còn cho rằng lệnh hạn chế nhập cảnh từ Ấn Độ được London áp dụng quá muộn, xuất phát từ động cơ chính trị, khiến biến chủng Delta có cơ hội xâm nhập và lây lan.
Tại Ấn Độ, tốc độ lây lan chóng mặt của biến chủng Delta hồi mùa xuân được cho là bởi chính quyền đã nới lỏng các biện pháp hạn chế và tiêm chủng chậm chạp. Ngay cả hiện nay, Ấn Độ cũng mới chỉ tiêm đầy đủ cho 3,5% dân số, một phần do vấn đề nguồn cung vaccine.
"Biến chủng Delta đã kìm hãm lộ trình thoát đại dịch của thế giới. Anh có lẽ không phải quốc gia đầu tiên tạm dừng tái mở cửa, thay vào đó chuyển sang tăng tốc tiêm chủng với hy vọng vượt qua thử thách", Taylor nhận định.
Bình luận viên này đặt ra vấn đề cần có một cuộc thảo luận rộng rãi hơn, không chỉ về cách ứng phó biến chủng Delta bên trong lãnh thổ các quốc gia về ngắn hạn, mà còn về phương án khống chế virus lây lan toàn cầu và ngăn chặn các biến chủng thậm chí tồi tệ hơn xuất hiện ngay từ đầu.
Số ca nhiễm nCoV đang gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới. WHO cho biết tính trên toàn châu Phi, số ca nhiễm hàng tuần đã tăng 44%. Trong khi đó, châu lục này mới nhận được chưa đến 2% nguồn cung vaccine Covid-19 của thế giới, tính đến tháng 5.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua, các nước giàu đã cam kết hành động nhiều hơn để chia sẻ khoảng một tỷ liều vaccine cho thế giới. Tuy nhiên, không nhiều chuyên gia cho rằng chừng đó đủ để xóa bỏ khoảng cách. Tình trạng này có nguy cơ tạo ra những biến chủng thậm chí tàn khốc hơn Delta.
"Chúng tôi không muốn rơi vào tình huống virus đột biến đến mức phải quay lại xuất phát điểm. Đó là lý do chúng ta cần phòng chống lây nhiễm Covid-19 hết sức có thể ngay bây giờ", quan chức WHO Van Kerkhove cho biết.
Nguồn: vnexpress.net