Nhiều người cho rằng, việc “ăn hàng” là mối nguy hại lớn tới sức khỏe. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng nếu bạn biết cách ăn uống thông minh. Nếu thường xuyên phải ăn ngoài, bạn có thể thử áp dụng một số nguyên tắc dưới đây.
Các món ăn bên ngoài thường có hương vị thơm ngon, cách chế biến lạ miệng hấp dẫn. Đó cũng là cơ hội để thưởng thức các món ăn mà bạn không thể nấu hay ăn tại nhà. Song bạn khó có thể kiểm soát được nguồn thực phẩm, gia giảm gia vị để bảo vệ sức khỏe. Bí quyết là bạn có thể chọn được phương pháp chế biến, loại thực phẩm để hạn chế tối đa các món ăn “xấu”.
Một số nguyên tắc chung để chọn món ăn hàng lành mạnh:
Các món ăn tại nhà hàng thường rất ngon mắt và ngon miệng. Khi ăn ở nhà hàng thì không cần lo lắng nhiều về nguồn thực phẩm hay chất lượng món ăn. Nhưng ở các nhà hàng thường có thực đơn cho bữa ăn lớn gồm: món khai vị, món chính, món tráng miệng. Lúc này, bạn cần lý trí cân nhắc để không ăn uống quá đà.
Với món khai vị, bạn hoàn toàn có thể bỏ qua nếu đang có ý định giảm cân. Bởi một số món khai vị có lượng calo gần bằng toàn bộ calo bạn cần trong một bữa. Nhưng nếu vẫn muốn thưởng thức, bạn có thể chọn các món rau trộn, salad trái cây không thịt. Phần sốt bạn chỉ nên chọn sốt dầu giấm, bỏ qua các loại sốt béo ngậy như sốt phô mai, sốt mayonaise.
Món chính thường là các món nhiều tinh bột, đạm chứa khá nhiều năng lượng. Bạn hãy ưu tiên chọn phần thịt ức gia cầm, cá và hải sản để giảm lượng mỡ, thịt đỏ. Sau đó, bạn cần chọn phương pháp chế biến là hấp, nướng hoặc áp chảo, ăn sống (sashimi) để giảm lượng mỡ và gia vị. Nếu ăn mỳ ý hay các món có sốt, hãy nhớ nguyên tắc “sốt ít béo”: cà chua, chanh dây, tiêu đen, mù tạt…
Một nguyên tắc ăn hàng khác cũng rất quan trọng: ăn ít hơn lượng bạn muốn ăn. Tức là bạn chỉ nên ăn phần thịt cỡ nhỏ nhất hoặc chia bớt cho người khác nếu phần lớn. Nếu vẫn thấy đói bụng, hãy lấp đầy bằng rau trộn.
Các món tráng miệng ở ngoài thường đầy ắp các món bánh ngọt béo ngậy, kem, đồ ngọt. Một đĩa trái cây tươi là lựa chọn lành mạnh và giàu vitamin để kết thúc bữa ăn no bụng. Nhưng với trái cây, bạn cũng chỉ nên ăn vừa đủ. Tuyệt đối tránh xa các món có kem béo!
Thức ăn nhanh chính là thủ phạm gia tăng bệnh béo phì cùng các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe. Loại thức ăn này rất ngon miệng, nhiều năng lượng nhưng lại kém dinh dưỡng. Nhưng nếu bạn quá yêu thích các món ăn nhanh, bạn có thể bảo vệ sức khỏe một phần bằng các cách sau.
Chọn phần hamburger nhỏ (không thêm hai lần nhân), thêm rau xà lách, dưa leo, cà chua tươi, không phô mai.
Dùng khoai tây nướng, đút lò thay vì khoai chiên
Ăn sanwich gà nướng thay cho gà chiên
Tránh các sốt béo
Không uống nước ngọt, sữa
Không ăn thêm tráng miệng
Tuy nhiên, bạn vẫn nên hạn chế tối đa số lần ăn thức ăn nhanh trong tháng để tránh các nguy cơ mắc bệnh béo phì, tim mạch, tiểu đường…nguy hiểm tới cơ thể.
Tài liệu tham khảo:
Nutrition for life – Ăn uống thông minh, tác giả Lisa Hark Ph.D và Dr. Darwin Deen.