Theo nghiên cứu của Hội hậu môn, trực tràng Việt Nam, tỷ lệ mắc trĩ ở Việt Nam là 35 - 50%. Tỷ lệ nữ mắc trĩ nhiều hơn nam (chiếm 61%). Tuổi trung bình của bệnh nhân là khoảng 45, tập trung ở thành phố và liên quan đến công việc. Bệnh trĩ là do căng giãn quá mức các tĩnh mạch ở vùng hậu môn, bệnh rất dễ tái phát, tĩnh mạch đã giãn rồi thì không hồi phục lại được. Những lần tái phát về sau, tĩnh mạch càng giãn nhiều hơn khiến bệnh nặng hơn và nếu để lâu khiến cho từ trĩ độ 1 ban đầu có thể tiến triển thành trĩ độ 3, 4.. Khi búi trĩ sa hẳn ra bên ngoài sẽ gây viêm, sưng phồng và đau đớn, thậm chí có biến chứng như tắc mạch, biến chứng nghẹt, nhiễm khuẩn…
Nếu bị trĩ cấp độ 3 trở lên, bệnh nhân phải phẫu thuật để cắt bỏ. TS Nguyễn Thị Quỹ, Phó Chủ tịch hội tiêu hóa Hà Nội cho biết, người dân tại thành phố thường ngồi nhiều, ít vận động, ăn ít chất xơ, uống ít nước, ít tập thể dục, uống bia rượu, ăn đồ ăn nhanh. Vì vậy, người dân thành thị dễ mắc bệnh trĩ. Điều đáng báo động, là phần đông bệnh nhân chủ quan nghĩ bệnh không nguy hiểm, lại ở vùng kín nên ngại ngùng đi khám nhưng thực chất bệnh trĩ không đơn giản như mọi người nghĩ. Nhiều người lầm tưởng phẫu thuật có thể dứt điểm bệnh trĩ, chủ quan sau phẫu thuật không kiêng khem dẫn đến tái phát bệnh trĩ.
Theo PGS. TS Mai Tất Tố -Trường Đại học Dược Hà Nội, để ngăn ngừa bệnh trĩ thì ngoài những việc tránh những nguyên nhân kể trên, còn nên hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, các chất cay nóng như ớt, hạt tiêu, cần uống nhiều nước để chống táo bón, đảm bảo lượng nước uống nhiều hơn 2 lít/ngày. Thêm nữa, khi mắc bệnh trĩ ở cấp độ nhẹ cần có biện pháp điều trị dứt điểm bằng thuốc để tránh bị trĩ tái phát dẫn đến các cấp độ nặng hơn, rất dễ bị biến chứng nhiễm khuẩn, thậm chí phải phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ.
Theo tuoitre.vn