Cùng eDoctor cập nhật các thông tin sức khỏe/ y tế nổi bật của cuối tuần vừa qua nhé!
Vaccine Varilrix với 2 liều tiêm cho trẻ từ 9 tháng, miễn dịch bảo vệ 96%, được triển khai tiêm đầu tiên tại hệ thống VNVC từ 22/1.
Varilrix là loại vaccine đông khô được điều chế từ chủng Oka sống giảm độc lực của virus varicella zoster (VZV) bằng phương pháp nhân đôi virus trong môi trường nuôi cấy tế bào lưỡng bội MRC-5 của người.
Theo phác đồ tiêm chủng tại Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng cho trẻ em và người lớn VNVC, vaccine này được khuyến cáo tiêm 2 liều cách nhau tối thiểu 3 tháng đối với trẻ từ 9 tháng đến 12 tuổi; cách nhau một tháng với trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn; cho hiệu quả bảo vệ 20 năm.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC cho biết, Việt Nam chưa đưa vaccine phòng bệnh thủy đậu vào chương trình tiêm chủng mở rộng nên không tạo được miễn dịch cộng đồng bảo vệ trẻ dưới một tuổi, trong khi đó, đây lại là nhóm đối tượng gặp nhiều biến chứng nặng nếu bị nhiễm bệnh.
Hiện chỉ có 2 loại vaccine phòng bệnh thủy đậu của Mỹ và Hàn Quốc cho trẻ từ 12 tháng tuổi.
Trước độ tuổi này, trẻ hầu như chỉ được bảo vệ bởi miễn dịch thụ động có được từ mẹ đã tiêm vaccine trước khi mang thai. Tuy nhiên, kháng thể thu được từ mẹ giảm dần theo thời gian và có thể không còn đủ nồng độ kháng thể bảo vệ khi trẻ trên 6 tháng. Khoảng trống miễn dịch từ thời điểm này đến tròn 12 tháng tuổi khiến trẻ có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh.
Bác sĩ Chính chia sẻ thêm, vaccine phòng thủy đậu Varilrix có thể tiêm sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và nếu tiêm đủ 2 mũi có thể tăng hiệu quả bảo vệ lên đến 96%, bảo vệ sớm hơn cho trẻ, giảm nguy cơ mắc bệnh, tử vong.
Trường hợp rất hiếm, người được tiêm vaccine này có thể vẫn nhiễm bệnh sau tiêm thì bệnh thường nhẹ và không có biến chứng nguy hiểm.
Theo hãng tin Reuters, nhóm nghiên cứu đã thiết lập lại một liên kết thần kinh được coi là không thể sửa chữa ở động vật có vú, bằng cách tiêm một protein nhân tạo vào não chuột.
Chấn thương tủy sống, thường do chơi thể thao hoặc tai nạn giao thông, khiến nhiều người bị liệt do một số sợi thần kinh mang thông tin giữa cơ và não không thể phát triển trở lại.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Đại học Ruhr ở Bochum, Đức đã tìm cách kích thích để tái tạo các tế bào thần kinh của những con chuột bị liệt bằng cách sử dụng một loại protein được thiết kế ra trong não chuột.
Dietmar Fischer, trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ với Reuters: "Điều đặc biệt của nghiên cứu này là protein không chỉ được sử dụng để kích thích các tế bào thần kinh tự tái tạo mà protein còn được đưa đi xa hơn (qua não). Bằng cách này, với một sự can thiệp tương đối nhỏ, chúng tôi kích thích sự tái tạo của một số lượng rất lớn các dây thần kinh và đó là lý do những con chuột có thể đi lại trở lại".
Ông Fischercho biết những con chuột bắt đầu đi lại sau hai đến ba tuần điều trị. Họ đã tạo ra một loại protein gọi là hyper-interleukin-6 bằng cách tiêm chất mang thông tin di truyền vào não chuột.
Nhóm đang nghiên cứu để cải thiện phương pháp điều trị này và ứng dụng nó với động vật có vú lớn hơn như lợn, chó và khỉ.
Nếu có hiệu quả với các động vật có vú lớn hơn, phương pháp này có thể an toàn cho con người. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, cần rất nhiều năm mới có thể chứng minh phương pháp có hiệu quả trên người hay không.
Tại Phòng ICU Bạch Mai, công tác y tế đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, theo đúng hướng dẫn. Bệnh viện đã tăng cường trang thiết bị y tế hiện đại như: máy tim phổi nhân tạo để sử dụng cho những trường hợp bệnh nhân nguy kịch; máy thở tại chỗ, máy thở xách tay; máy chụp X quang kỹ thuật số tại giường bệnh;… Tại tất cả các phòng trực y tế đều được kết nối với Hệ thống TeleHeath để phục vụ Đại hội.
Phục vụ công tác y tế cho Đại hội gồm có: ICU Bạch Mai; Bệnh viện Hữu nghị; Phòng Cách ly Y tế (Bệnh viện Nhiệt đới TW và CDC Hà Nội); Tổ y tế Bệnh viện 108; Phòng y tế cho các Đại biểu cấp cao.
Tại buổi giao ban nhanh với các tổ công tác y tế sáng 25/1, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Trong thời gian diễn ra Đại hội XIII của Đảng sẽ thường trực tại đây để nắm tình hình. Mỗi buổi sáng các bộ phận tập trung đầy đủ số liệu ngày hôm trước gồm 3 khâu: Khám chữa bệnh; dịch tễ giám sát dịch và an toàn thực phẩm. Mọi hoạt động phải có báo cáo nhanh, cập nhật liên tục để phục vụ Đại hội một cách tốt nhất”.
Các công tác phòng chống dịch bệnh, đến nay Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ tất cả các biện pháp phòng chống dịch trên toàn quốc cũng như với Đại hội. Công tác phòng chống dịch bệnh được chuẩn bị đồng bộ trên tất cả các khâu và tại tất cả địa điểm nơi tổ chức Đại hội cũng như các nơi lưu trú, ăn nghỉ của đại biểu tham dự Đại hội và các tổ phục vụ.
Theo yêu cầu của Ban Tổ chức Đại hội, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 của các đại biểu, tổ phục vụ và các thành phần liên quan.
Đến nay hơn 10.000 mẫu đã cho kết quả âm tính lần 2. Đội ngũ nhân viên các khách sạn nơi đại biểu lưu trú đều đã được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần theo đúng hướng dẫn, từ bảo vệ, nhân viên bàn, buồng, lễ tân, lái xe. Có khách sạn đã lấy mẫu gần 800 người để xét nghiệm, tất cả đều âm tính.
Khoảng 500 cán bộ y tế được huy động phục vụ Đại hội, trong đó có gần 300 cán bộ túc trực tại các địa điểm diễn ra Đại hội và các nơi lưu trú với mục đích phục vụ Đại hội một cách tốt nhất, an toàn nhất. Các bệnh viện lớn tại Hà Nội cũng sẵn sàng công tác thu dung, điều trị.
Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây hơn 30 năm, bệnh nhân phát hiện có một khối u nhỏ như ngón tay ở bả vai. Dần dần khối u phát triển lớn hơn, khi đó, bệnh nhân đến bệnh viện tuyến dưới và có chỉ định được phẫu thuật.
Tuy nhiên, bệnh tình không thuyên giảm. Hai năm gần đây, khối u ngày một lớn, lan rộng xuống thắt lưng và vùng mông phải khiến bệnh nhân sinh hoạt khó khăn, di chuyển nặng nề.
“Nó nặng lắm, tưởng tượng có một khối gì đè lên mình. Khi cúi xuống, khối u đó di động, chạy lên vai cổ. Mấy tháng nay, tôi không đi lại được, trở mình phải có người đỡ, đi phải chống gậy, tay phải thì tê. Tôi phải gắp thức ăn bằng tay trái. Mọi người nhìn mình cũng sợ, không thích gần mình ”, bệnh nhân chia sẻ.
Bệnh nhân đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám với khối u khổng lồ (kích thước 20x30x40 cm vùng bả vai, chưa kể vùng thắt lưng, mông). Sau khi khám, các bác sĩ khoa Phẫu thuật chi trên và chi dưới quyết định tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
PGS.TS. Lê Văn Đoàn – Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình cho biết: “Chúng tôi phải phẫu thuật 2 lần. Lần đầu cắt bỏ phần khối u ở vùng bả vai và xét nghiệm tế bào; lần thứ 2 sẽ cắt bỏ khối u ở vùng thắt lưng và mông. Khối u ở bả vai là một khối u lành tính, được gọi là u xơ mỡ thần kinh. Khối u này không chỉ nằm ở ngoài da, mà còn nằm sâu ở dưới lớp cơ lưng và cơ thang. Có 2 vấn đề khó khăn trước khi mổ đặt ra. Thứ nhất, đó là tình trạng chảy máu vì khối u nằm sâu và diện rộng. Nút mạch trước khi mổ gần như không được, do có rất nhiều nhánh xuyên từ lưng lên. Thứ hai, nếu lấy triệt để luôn một lần phẫu thuật sẽ để lại khuyết da rất lớn thì sau đó phải ghép da cho bệnh nhân”.
Sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, hồi phục tốt.
Trước khi vào viện một ngày, bé quấy khóc từng cơn, mệt dần, da xanh nhợt tăng lên và bú kém. Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc ngày 19/1 nhận định đây là trường hợp sốc, thiếu máu nặng, nghi ngờ có chảy máu não. Bệnh nhân được an thần, đặt ống nội khí quản thở máy kiểm soát hô hấp, truyền thuốc cấp cứu.
Các bác sĩ vừa hồi sức, vừa siêu âm cấp cứu tại giường, chẩn đoán hình ảnh xuất huyết não nặng. Bệnh nhân được truyền hai đơn vị khối hồng cầu, một đơn vị huyết tương tươi đông lạnh để bù lại lượng máu đã mất và trợ giúp quá trình đông cầm máu của cơ thể, đồng thời điều trị tích cực tình trạng tăng áp lực nội sọ.
"Nguyên nhân xuất huyết não của bệnh nhi là do thiếu vitamin K", bác sĩ Nhiên nói. Vitamin K là một chất cơ thể cần để hình thành cục máu đông và cầm máu. Cơ thể không thể tổng hợp được loại vitamin này mà chỉ có thể bổ sung từ thực phẩm ăn vào. Một số lượng ít vitamin K cũng được tạo ra bởi các vi khuẩn cộng sinh trong đường ruột..
Sau 6 giờ cấp cứu liên tục, tình trạng thiếu máu và rối loạn đông máu đã ổn định hơn, các chức năng sống đang được kiểm soát tốt. Bệnh nhân vượt qua giai đoạn nguy kịch, hiện được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị tiếp.
Nguồn: vnexpress.net