Cùng eDoctor cập nhật các thông tin sức khỏe/ y tế nổi bật trong ngày nhé!
Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết Khoa Thận Lọc máu những năm qua hoạt động hết công suất vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chạy thận của bệnh nhân, với gần 250 ca mỗi tuần.
Năm 2016, bệnh viện xây dựng trung tâm lọc máu chất lượng cao, hợp tác với Nhật Bản, màng lọc chỉ sử dụng một lần. Điều này giúp nâng cao chất lượng chạy thận, thu hút nhiều bệnh nhân cùng chuyên gia nước ngoài đang sinh sống hay đến Việt Nam làm việc, du lịch. Tuy nhiên vì chỉ sử dụng màng lọc một lần nên chi phí khá cao với thu nhập của nhiều người dân Việt.
Theo bác sĩ Chiến, bệnh viện hợp tác với một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất vật tư y tế, đặc biệt là sản phẩm cho lọc máu, thiết lập Khu lọc máu theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Công nghệ giúp chất lượng chạy thận nhân tạo vẫn duy trì ở mức cao và giá thành dễ tiếp cận hơn, từ đó kéo dài cuộc sống chất lượng cho nhiều bệnh nhân.
"Khu mới có 16 máy được nhập nguyên kiện từ Nhật Bản, hệ thống xử lý nước, các thiết bị màng lọc, dây lọc, kim lọc đều của Nhật, với công suất phục vụ được khoảng 100 bệnh nhân chạy thận mỗi tuần", bác sĩ Chiến nói. Nhật Bản là một trong các quốc gia có chất lượng lọc máu tốt nhất thế giới.
Bệnh viện cũng thành lập hai phòng chạy thận ở mức dịch vụ cao cấp có phòng riêng, tiện nghi, có màn hình xem tin tức giải trí, phục vụ bữa ăn nhẹ trong lúc lọc máu.
Ngày 21/1, tiến sĩ, bác sĩ Lê Thành Khánh Vân, Trưởng Khoa Hồi sức Phẫu thuật tim trẻ em, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa cứu em T.N.T (14 tuổi, ngụ Lâm Đồng) bị tai nạn giao thông gây vỡ eo động mạch chủ. Các bác sĩ đã tái tạo động mạch chủ cho bệnh nhân bảo toàn mạng sống.
Anh trai T. cho biết, người em bị xe tải đâm bất tỉnh. T. vào bệnh viện địa phương sơ cứu hơn 3 tiếng rồi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Sau chấn thương 7 tiếng, T. nhập Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng lơ mơ, sinh hiệu không ổn định, huyết áp thấp. Đặc biệt, bệnh nhân còn bị đa chấn thương gãy cổ tay phải, trầy hai cẳng chân. Bụng, ngực không thấy trầy xước nhưng sau thăm khám, bác sĩ chẩn đoán T. bị vỡ eo động mạch chủ, trào máu phổi bên phải, thủng tạng rỗng trong bụng.
Các bác sĩ đã hội chẩn nhanh, chụp CT ngực có cảm quang thấy vỡ eo động mạch chủ, máu chảy ra xoang màng phổi bên trái. Ê-kíp đã phối hợp thực hiện mổ tái tạo động mạch chủ eo, mổ bụng khâu tổn thương tạng rỗng, tìm điểm xuất huyết. Sau phẫu thuật, bệnh nhân chảy gần 800 ml máu ra ngoài màng phổi. Trải qua gần 10 tiếng tái tạo eo động mạch chủ, ê-kíp đã sửa thành công và đóng ngực. Nhóm ngoại tổng quát tiếp tục khâu hỗng tràng và vết xước thành mạch của ruột.
Ca mỗ diễn ra trong 14 tiếng từ 9h sáng đến 22h ngày 9/1, với sự tham gia của 15 bác sĩ, nhân viên y tế. Sau 2-3 sau phẫu thuật, bệnh nhân được giảm an thần và cai máy thở, rút nội khí quản.
Sáng 22/1, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một sản phụ mang song thai bị suy thai do dây rốn bám màng.
Hôm 18/1, sản phụ N.T.H (31 tuổi, ngụ Hậu Giang) được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng đau bụng, song thai 37 tuần, tăng huyết áp.
Sản phụ H. có tiền sử sinh mổ lần hai, kèm bệnh lý tăng huyết áp đang điều trị. Khi nhập viện, sản phụ này có biểu hiện suy thai, kèm nguy cơ tuần sản giật…
Qua hội chẩn, bác sĩ quyết định mổ khẩn cấp lấy thai. Sau 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã đón hai bé gái nặng 2,2 kg và 2,1 kg. Hai bé đã được chuyển về phòng sơ sinh để được chăm sóc tích cực.
Bác sĩ cho biết, sản phụ này có một dây rốn bám màng. Hiện, sản phụ tỉnh, da niêm hồng, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô. Hai bé hồng hào, bú tốt.
Cụ ông 82 tuổi, quê Long An, được đưa vào viện cấp cứu vì đau bụng, đau đầu, hạ huyết áp, đau cột sống thắt lưng.
Vài ngày trước, cụ ông từng bị trượt ngã. Bác sĩ Bệnh viện Gia An 115 (TP HCM) chụp cắt lớp vi tính mạch máu, phát hiện túi phình lớn gần 7 cm ở động mạch chậu chung bên phải, có dịch tự do trong ổ bụng nghi do vỡ túi phình.
Bác sĩ Dương Duy Trang, Trưởng Khoa Nội Tim mạch - Tim mạch can thiệp, ngày 21/1 cho biết động mạch chủ bụng cung cấp máu cho phần dưới cơ thể. Ngay phía dưới rốn, động mạch chủ chia thành hai nhánh động mạch chậu, mang máu đến các chi dưới. Động mạch chủ bình thường có đường kính khoảng 2 cm.
Để tránh rủi ro tính mạng người bệnh, bác sĩ quyết định thủ thuật đặt stent graft vào lòng động mạch loại bỏ túi phình đang vỡ. Stent graft là một giá đỡ bằng kim loại đặc biệt có phủ màng sợi tổng hợp.
"Bệnh nhân tuổi cao, thể trạng kém, bệnh nền tăng huyết áp và thận mạn nên các bước đặt stent được tiến hành vô cùng thận trọng", bác sĩ Trang chia sẻ. Khoảng một giờ, stent được đặt thành công, giúp loại bỏ túi phình động mạch, cứu người bệnh khỏi cơn nguy hiểm. Bệnh nhân hồi phục ổn, xuất viện sau ba ngày.
Chiều 21/1, Sở Y tế TP.HCM cho biết, Thanh tra sở đang vào cuộc xác minh trường hợp chị N.T.T.T (29 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) bị liệt nửa người bất thường sau khi gây tê sinh mổ bắt con tại Bệnh viện Phụ sản Mekong (quận Tân Bình, TP.HCM)
Ngày 2/11/2020, chị T. đến Bệnh viện Phụ sản Mekong để mổ lấy thai do thai lớn, xương chậu hẹp, tiểu đường thai kỳ và có tiền sử dị ứng thuốc tê. Dù biết chị T. bị dụ ứng thuốc tê, nhưng khi vào phòng mổ, bác sĩ L.Q.H, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, đã tự đổi phương án gây mê thành gây tê.
Sau khi gây tê tủy sống, chị T. xuất hiện triệu chứng nôn ói, co giật, chóng mặt và lịm đi. Đến khi tỉnh dậy trong phòng hồi sức, chị T. phát hiện nửa người bên trái không cử động được.
Sau khi xảy ra sự cố, chị T. được chuyển qua Bệnh viện Nhân dân Gia Định chụp MRI. Kết quả không phát hiện vấn đề gì nhưng chị phải nằm theo dõi tại đây. Hai ngày sau, chị được chuyển về Bệnh viện Mekong để chăm sóc hậu phẫu.
Chị T. tiếp tục được đơn vị này đưa đi thực hiện các xét nghiệm tại một số bệnh viện tuyến trên nhưng kết quả trả về đều bình thường. Sau 48 ngày điều trị hậu phẫu, ngày 21/12/2020, chị T. xuất viện. Bệnh viện cam kết mời bác sĩ tập vật lý trị liệu nhưng chị không được thông tin đến truyền thông.
Tuy nhiên, thời gian tập vật lý trị liệu của chị thường bị ngắt quãng do bác sĩ không đến.
Tại buổi làm việc với báo chí vào chiều 20/1, bác sĩ Lê Minh Nguyệt, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Mekong, cho biết, đây là tai biến y khoa do bác sĩ H. đã phán đoán sai, đổi thuốc gây mê thành gây tê.
Sau đó, bác sĩ H. đã xin thôi việc. Thời gian tới, bệnh viện sẽ rút kinh nghiệm và sẽ tiếp tục hỗ trợ chị T. tập vật lý trị liệu cho đến khi hồi phục.