Cùng eDoctor cập nhật các thông tin sức khỏe/ y tế nổi bật trong ngày nhé!
80 điểm hiến máu trong chương trình Chủ nhật Đỏ, từ tháng 12/2020 đến 3/2021, sẽ tiếp nhận hơn 50.000 đơn vị máu phục vụ khám chữa bệnh dịp Tết.
Từ tháng 12/2020 đến ngày 16/1, chương trình Chủ nhật Đỏ đã tiếp nhận hơn 27.000 đơn vị ở 19 tỉnh, thành phố, vượt kế hoạch dự kiến.
Khai mạc Chủ nhật Đỏ ở Hà Nội ngày 17/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhìn nhận phong trào hiến máu tình nguyện lan rộng 26 năm qua. Năm 1994 bệnh viện chỉ tiếp nhận được hơn 100.000 đơn vị máu hiến, đến nay mỗi năm đã tiếp nhận hơn 1,4 triệu đơn vị máu.
Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19, song cả nước vẫn tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu. Số người tham gia hiến máu đạt tỷ lệ 1,5% dân số. Lượng máu tiếp nhận cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu cấp cứu và điều trị cho người bệnh trong năm.
Thứ trưởng Thuấn nhận định nhu cầu truyền máu ngày càng cao, nhất là các dịp lễ tết. Bảo đảm đủ máu cho nhu cầu cấp cứu và điều trị luôn là áp lực rất lớn cho ngành y tế.
Người đàn ông 67 tuổi, ở Trà Vinh, bị tai nạn giao thông được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng thở ngáp, mạch, huyết áp không đo được.
Tiếp nhận bệnh nhân tối 15/1, các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ nhanh chóng đặt nội khí quản, hồi sức tích cực... Bác sĩ La Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, trực tiếp tham gia kíp mổ cho biết bệnh nhân sốc mất máu cấp do chấn thương bụng rất nặng, tính mạng được tính bằng phút.
Kíp trực vừa hồi sức cấp cứu vừa bóp bóng chuyển bệnh nhân lên phòng mổ. Các bác sĩ phẫu thuật hút từ ổ bụng bệnh nhân hơn 3 lít máu, cắt bỏ đại tràng phải, bỏ mô dập nát... Huyết áp của bệnh nhân thấp và liên tục dao động trong ca mổ, phải truyền 10 đơn vị hồng cầu lắng, 6 đơn vị huyết tương tươi, 6 đơn vị tiểu cầu.
Đến nay, sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, xét nghiệm máu cho thấy các chỉ số gần như trở về bình thường, mạch huyết áp ổn.
Bé trai 15 tuổi hôn mê, sống không thể tách rời hệ thống tim phổi nhân tạo. Để đưa bé đi chụp CT não, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chuẩn bị kỹ phương án.
Bé bị viêm cơ tim, chuyển từ An Giang đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hơn 10 ngày trước. Bé rối loạn nhịp tim nặng, nhiều lần ngừng tim, các bác sĩ phải đặt máy tạo nhịp, sốc điện liên tục để giữ tính mạng.
Ngày 16/1, bác sĩ chỉ định chụp CT não để đánh giá tình trạng bệnh. Bé nặng 70 kg, thở máy, sốc tim, suy đa tạng, đang chạy ECMO, hệ thống lọc máu cồng kềnh cùng hàng chục máy bơm tiêm vận mạch khác xung quanh. Bệnh nhi không thể tách rời máy ECMO - cỗ máy nâng đỡ chức năng tim phổi để duy trì sự sống.
Chuyến đi chỉ 600 m nhưng vô cùng khẩn trương, nhiều rủi ro, được lên kế hoạch chi tiết. Bốn bác sĩ nam và một bác sĩ nữ vừa đẩy chiếc giường bệnh kèm máy móc khoảng hơn 100 kg, vừa theo dõi sinh hiệu, canh bóp bóng đều tay nâng nhịp thở bé. Một băng ca khác chở dụng cụ, máy móc kèm theo. 6 điều dưỡng, kỹ thuật phòng trang thiết bị, chẩn đoán hình ảnh theo sát vòng ngoài.
Trong phòng chụp CT, thay vì tất cả đều phải ra ngoài trong khi chụp để tránh phóng xạ, bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, khoác chiếc áo chì màu xanh nặng hơn chục kg, không ngại nguy cơ ăn tia X, ở lại phòng để bóp bóng liên tục cho bé. Một bác sĩ nam vẫn theo dõi máy ECMO, sát cánh cùng bé hơn 15 phút trong phòng chụp.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 19/1 cho biết bệnh nhân sức khỏe rất tốt. Khi phát hiện loạn nhịp tim, bác sĩ kê toa thuốc sintrom chống đông nhằm phòng ngừa các biến cố tim mạch, đột quỵ não. Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân tuân thủ phác đồ uống thuốc, tái khám thường xuyên để kiểm soát nhịp tim.
Tuy nhiên, ông uống thuốc được 4 tháng thì tự ý bỏ vì "sợ nguy cơ máu khó đông". Sau ngừng thuốc, ông bị đột quỵ, được người nhà đưa vào Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, cấp cứu đầu tháng 1.
Các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ và Điện quang điều trị bằng phương pháp lấy huyết khối cơ học, tập phục hồi chức năng... Tuy nhiên, tổn thương trên não quá lớn, kèm bệnh tim phức tạp, cơ hội ông phục hồi thấp, di chứng để lại nặng nề.
"Tự ý bỏ thuốc chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não cấp do tắc động mạch lớn", bác sĩ cho biết. "Nếu bệnh nhân tuân thủ lời dặn của bác sĩ, đi khám thường xuyên thì đã không xảy ra sự việc đáng tiếc này".
Sau khi tiêm thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, bệnh nhân 70 tuổi sốc phản vệ, ngừng thở, ngừng tim.
Ông được người nhà đưa vào khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, ngày 15/1 trong tình trạng ho, khó thở, chẩn đoán phổi tắc nghẹn mạn tính (COPD). Ông điều trị tại khoa Nội hô hấp - Cơ xương khớp - da liễu, sau khi tiêm thuốc xuất hiện các triệu chứng sốc phản vệ nặng như khó thở tím tái, tụt huyết áp, nhanh chóng ngừng tim, ngừng thở.
Các bác sĩ xử trí theo phác đồ cấp cứu phản vệ. Khi tim đập trở lại, bệnh nhân vẫn hôn mê, thở máy, toan chuyển hóa nặng, phụ thuộc thuốc trợ tim, vận mạch liều cao, lọc máu liên tục.
Sau hơn 4 ngày điều trị tích cực, hiện bệnh nhân đã tỉnh, cai máy thở, hết lọc máu.
Người phụ nữ 67 tuổi, ở Hậu Giang, đau tức ngực trái, ho khạc đàm nhiều, khó thở phải ngồi, thể trạng suy kiệt.
Tiếp nhận bệnh nhân ngày 11/1, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ xác định khối u nhầy ở tâm nhĩ trái kích thước 29 x 27 mm, hở van động mạch chủ, suy tim độ 2.
Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt u tim, tái tạo vách liên nhĩ bằng màng ngoài tim, thay van động mạch chủ sinh học. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh, các chỉ số xét nghiệm ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
U nhầy (Myxoma) là u nguyên phát thường gặp ở tim, lành tính nhưng ảnh hưởng đến huyết động học, bệnh nhân phải điều trị ngay, theo bác sĩ Lâm Việt Triều. Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất đối với bệnh lý này.