Cùng eDoctor cập nhật các thông tin sức khỏe/ y tế nổi bật của ngày vừa qua nhé!!
Chàng trai 20 tuổi, ở Bình Dương, bị máy cưa cắt đứt lìa bàn tay trái, được sơ cứu chuyển đến Bệnh viện Quân y 175.
Bác sĩ Bùi Văn Phúc, Khoa Chi trên, ngày 17/3 cho biết bệnh nhân bị tổn thương khá phức tạp, mất đoạn động mạch, các bác sĩ phải lấy tĩnh mạch ở chân lên ghép. Sau khi nối thông mạch máu, các phần còn lại như dây thần kinh, gân, cơ cũng được nối thành công.
"Điều may mắn là bệnh nhân được sơ cứu ban đầu rất tốt, gồm băng ép, cầm máu, phần bàn tay bị đứt được bọc kín trong túi nilon, cho vào chậu nước đá và chuyển đến bệnh viện sớm trong khoảng một giờ", bác sĩ Phúc đánh giá.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, có thể cử động được các ngón tay. Tùy vào khả năng đáp ứng của bệnh nhân cũng như trải qua thời gian tập vật lý trị liệu, khả năng phục hồi sức cơ có thể đạt khoảng 60-90%. Thời gian phục hồi khoảng từ 3 đến 6 tháng.
Bệnh nhân là L.G.T (50 tuổi, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng giọng nói gần như mất hoàn toàn và đã 2 lần phẫu thuật thanh quản. Bệnh nhân có “thâm niên” hút thuốc từ khi mới 15 tuổi và nghiện nặng với số lượng hút hơn 2 bao/ngày, hơn nữa còn thường xuyên uống rượu. Người nhà bệnh nhân cho biết, cách đây 4 năm, bệnh nhân có dấu hiệu khàn cổ, ho nhiều, giọng nói thay đổi, tình trạng ngày càng nặng bệnh nhân bị mất tiếng, hụt hơi và lúc nào cũng có cảm giác có vật gì vướng trong cổ họng, đi khám tại cơ sở y tế tuyến dưới và được chẩn đoán ung thư thanh quản. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật mổ vét hạch và cắt u thanh quản.
Sau phẫu thuật một năm, sức khỏe bệnh nhân giảm sút nghiêm trọng, giọng nói gần như mất hẳn, chỉ có tiếng kêu ú ớ… Bệnh nhân được các bác sĩ tuyến dưới chỉ định mổ lại lần 2 nhằm mở khí quản do hẹp khít thanh quản.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bệnh nhân phải đeo dụng cụ nong thanh quản liên tục rất bất tiện và xuất hiện các cơn ho kéo dài, việc hít thở trở nên khó khăn, lúc nói thì câu được câu chăng, thậm chí gần như bị câm… vì phát âm không thành tiếng. Chính vì vậy, bệnh nhân đã tìm đến Bệnh viện E với mong muốn tìm lại được giọng nói. Sau thăm khám và làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, các bác sĩ khoa Tai mũi họng, khoa Khám bệnh theo yêu cầu và quốc tế (Bệnh viện E) quyết định lựa chọn phương pháp tạo hình thanh quản phục hồi giọng nói cho bệnh nhân.
Nhờ được tạo hình thanh quản nên giọng nói của bệnh nhân được phục hồi tối đa, tự hít thở được và trở về cuộc sống sinh hoạt, lao động bình thường.
17 giờ ngày 14/3/2021, BVĐK Trung ương Cần Thơ có tiếp nhận bệnh nhân nam N.V.T 24 tuổi trú tại huyện Tri Tôn, An Giang được chuyển đến từ bệnh viện tuyến trước vì vết thương sưng tấy và hoại tử bàn tay phải do rắn chàm quạp cắn, biến chứng rối loạn đông máu và giảm tiểu cầu nặng khiến vết thương chảy máu liên tục.
Trước đó, ngày 13/3/2021, anh T. khi đi cắt lá sả bị rắn cắn vào ngón 3 bàn tay phải, anh T. không đến bệnh viện ngay mà đi hút nọc rắn điều trị, nhưng tình trạng vẫn không giảm, bệnh nhân đau nhức dữ dội tay bị rắn cắn, rải rác có bóng nước, xuất huyết tự nhiên, nên nhập viện bệnh viện địa phương và nhanh chóng được chuyển lên tuyến trên là BVĐK Trung ương Cần Thơ.
Sau tiếp nhận bệnh nhân T. 4 giờ, bệnh viện cũng lại tiếp nhận 1 trường hợp bị rắn chàm quạp cắn là bệnh nhân nữ L.T.B.B 52 tuổi. Điều đặc biệt bệnh nhân này là hàng xóm của bệnh nhân thứ nhất và cũng đi cắt lá sả tại cùng địa điểm bệnh nhân thứ nhất bị rắn cắn (cả 2 đều ở vùng núi An Giang).
Tuy nhiên sau khi bị rắn cắn, chị B. có tự đi bó thuốc, nhưng tình trạng ngày càng nặng bệnh nhân mới đến cơ sở y tế để điều trị.
Cả hai trường hợp đều được truyền các chế phẩm máu như khối hồng cầu, khối tiểu cầu và huyết tương tươi đông lạnh điều trị tình trạng rối loạn đông máu của nọc rắn chàm quạp.
Sau 3 ngày điều trị tích cực bệnh nhân đã ngưng được máy thở, rút được ống thở, tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
Đến tối ngày 17/3/2021, cả 2 bệnh nhân điều được xử lý cắt lọc, rạch giải áp khoang cẳng bàn tay bên bị rắn cắn.
Sáng 18/3/2021 tình trạng của chị B. ổn định, anh T. đang được điều trị tích cực tình trạng rối loạn đông máu và giảm tiểu cầu tại Khoa Hồi sức tích cực- chống độc.
Khối thai ngoài tử cung vỡ chảy máu ồ ạt khiến cô gái 20 tuổi, ở Vĩnh Long, sốc mất máu nguy kịch trên bàn mổ.
Bệnh nhân vào cấp cứu Bệnh viện Phụ sản Thành phố Cần Thơ chiều 17/3 vì choáng, ra huyết âm đạo, đau bụng nhiều, da nhợt nhạt, mạch nhanh, huyết áp thấp.
Bác sĩ khám, siêu âm tại giường, xét nghiệm khẩn, xác định thai ngoài tử cung vỡ dẫn đến tình trạng mất máu cấp, tiên lượng rất nặng. Kíp cấp cứu kích hoạt báo động đỏ nội viện, chuyển thẳng vào phòng mổ dưới sự phối hợp các chuyên khoa sản - gây mê hồi sức - huyết học truyền máu.
Quá trình mổ, bác sĩ ghi nhận khoảng 2,2 lít máu trong bụng (cơ thể người trưởng thành có khoảng 5 lít máu). Khối thai ngoài tử cung đoạn kẽ vỡ đang chảy máu ồ ạt. Kíp mổ nhanh chóng kẹp cầm máu, cắt xén góc tử cung lấy khối thai và bảo tồn tử cung.
Ca phẫu thuật thành công cứu người bệnh thoát sốc sau gần một giờ.
Ngày 18.3, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết, ngày 9.3, trẻ không may bị bỏng nước sôi. Gia đình không đưa con đến bệnh viện điều trị mà nhờ bà lang gần nhà đắp thuốc. Gia đình chỉ đưa con vào bệnh viện huyện thăm khám khi trẻ lên cơn sốt cao, nổi ban 4 ngày sau đó.
Tình trạng của trẻ diễn biến xấu rất nhanh, li bì, hôn mê, nhiều nốt ban xuất huyết rải rác khắp toàn thân, tình trạng phù tăng lên, ăn kém. Khi được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn nặng, rơi vào trạng thái ngừng tuần hoàn. Tại đây, các bác sĩ đã xử trí sốc nhiễm khuẩn và cấp tốc liên hệ để chuyển cháu bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương vào 2h30 phút ngày 14.3 trong tình trạng tím tái, ngừng tim. Các bác sĩ tiếp tục tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng trẻ không đáp ứng. Vào 3 giờ cùng ngày, bệnh nhi không qua khỏi, gia đình đã xin đưa trẻ về.