Cùng eDoctor cập nhật các thông tin sức khỏe/ y tế nổi bật cuối tuần vừa qua nhé!
Bệnh nhân nữ, 81 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, tổn thương ngực trái do ung thư vú di căn, ăn uống kém, ngồi cả đêm vì đau đớn.
Khối u xâm lấn, thâm nhiễm lan tỏa từ trước ra phía sau ngực trái, tới sát cột sống ngực và lan một phần xuống vùng bụng bệnh nhân. Phần mềm thành ngực tấy đỏ, nhiều chỗ chảy mủ màu trắng đục. Bác sĩ Trịnh Tú Tâm, Trưởng đơn vị điện quang can thiệp và điều trị đau, Bệnh viện Hữu nghị, cho biết bệnh nhân đã điều trị ở nhiều bệnh viện, song hiệu quả giảm đau thấp, tác dụng phụ của thuốc khiến bà thường xuyên mệt mỏi, nôn nhiều, có dấu hiệu trào ngược dạ dày.
Ban đầu, để xác định vị trí thần kinh chi phối, bác sĩ tiêm thuốc tê phong bế khoang dưới cơ dựng sống bên trái của người bệnh. Tình trạng giảm đau chỉ kéo dài khoảng 2-3 ngày.
"Mũi tiêm đầu tiên đã phong bế đúng vị trí gây đau nhiều nhất của bệnh nhân, tuy nhiên cần được duy trì thuốc giảm đau thường xuyên trong khoảng 1-2 tuần mới hy vọng cắt được vòng phản xạ đau của người bệnh", bác sĩ Tâm nói.
Tiếp theo, nhóm điều trị đặt ống thông nhỏ dưới khoang dưới cơ dựng sống của người bệnh để thông qua đó tiêm thuốc giảm đau hàng ngày. Nhờ vậy, người nhà không cần chọc kim nhiều lần, có thể tự bổ sung thuốc cho bệnh nhân để duy trì nồng độ thuốc giảm đau, chống viêm.
Bác sĩ Tâm cho biết phương pháp điều trị gọi là kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP), ngăn chặn tín hiệu đau truyền qua tủy sống lên thần kinh trung ương. Đây là kỹ thuật mới, thay thế hoàn toàn thuốc morphine giảm đau trong phẫu thuật tim hở và phẫu thuật lồng ngực ở người lớn và trẻ em do morphine đã bộc lộ nhiều hạn chế và nguy hiểm cho người bệnh.
Nửa tháng sau nhập viện, ngày 13/1 bệnh nhân này đã có thể ăn, ngủ, sinh hoạt bình thường, không phải uống thuốc giảm đau. Vết thương ngoài da được thay băng, vệ sinh thuận lợi, giảm tình trạng chảy mủ.
Bác sĩ Trần Phước Bình, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Chợ Rẫy, ngày 14/1, cho biết bệnh nhân từ Bà Rịa - Vũng Tàu nhập viện với thể trạng suy kiệt, nhiều bệnh lý đi kèm như thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp, tổn thương phổi, xơ phổi. Bệnh nhân không thể di chuyển, chỉ nằm yên một chỗ, sinh hoạt rất khó khăn, đau nhiều.
Các bác sĩ hội chẩn liên chuyên khoa gồm nội tim mạch, nội hô hấp, chấn thương chỉnh hình để điều trị giảm đau, bất động xương gãy bước đầu, sau đó lên phương án phẫu thuật. Cụ bà được dinh dưỡng để nâng đỡ thể trạng, kiểm soát các bệnh nội khoa ổn định trước mổ.
"Cụ bà 106 tuổi, nhiều bệnh nền, cuộc phẫu thuật thay khớp cần phải gây mê có thể nói là cuộc đại phẫu khủng khiếp, có thể đối diện nhiều rủi ro", bác sĩ Bình nói.
Cụ bà được theo dõi sát trong quá trình gây mê. May mắn ca mổ thay khớp háng nhân tạo diễn ra thuận lợi. Đây là trường hợp lớn tuổi nhất được phẫu thuật thay khớp háng tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Hiện 10 ngày sau ca mổ, sinh hiệu cụ bà ổn định, ngồi dậy và ăn uống được. Bệnh nhân đang tập đi, đứng bằng khung hỗ trợ.
Người phụ nữ 75 tuổi đau đầu, chóng mặt, tiền sử suy tim, tăng huyết áp, nhịp tim xuống dưới 40 mỗi phút.
Bà được đưa đến khoa Nội Tim mạch Lão học, Bệnh viện đa khoa Hà Đông ngày 14/1. Bác sĩ chỉ định đeo máy điện tim trong 24 giờ, phát hiện bệnh nhân bị hội chứng tim nhịp nhanh, nhịp chậm. Tình huống nguy kịch, bác sĩ nhanh chóng đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân.
Bác sĩ Đỗ Hữu Nghị, Phụ trách khoa Nội tim mạch lão học, cho biết đặt máy tạo nhịp tim là kỹ thuật can thiệp phức tạp, người bệnh lại lớn tuổi, bệnh lý nền suy tim, tăng huyết áp. Đặt máy tạo nhịp là phương pháp đặc hiệu giúp tim hoạt động lại theo nhịp bình thường, xử lý rối loạn nhịp chậm, giảm tỷ lệ suy tim, tỷ vong và những biến chứng tim mạch khác.
Sau đặt máy, bệnh nhân huyết áp ổn định, tình trạng suy tim cải thiện, nhịp tim ổn định 60 lần một phút. Bệnh nhân không còn đau đầu, hoa mắt chóng mặt, sức khỏe dần ổn định.
Nguồn: vnexpress.net
Ông Tuấn, 58 tuổi, bỏ thuốc được bác sĩ kê toa chữa bệnh tiểu đường để uống thuốc nam cùng viên sủi giá gần 3 triệu đồng.
Sau khi dùng viên sủi được người bán trên mạng quảng cáo là "hoàn toàn chữa khỏi tiểu đường", đường huyết của ông Tuấn tăng lên. Khoảng một tuần nay, cơ thể và mặt ông phù nặng kèm theo cảm giác khó thở về đêm và sáng sớm.
Ông được đưa vào Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng đường huyết và huyết áp tăng cao, phù nề, mệt mỏi, hoạt động chậm. Kết quả siêu âm cho thấy tràn dịch màng phổi hai bên.
Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân nữ 68 tuổi, với những triệu chứng tương tự, cũng dùng viên thuốc dạng sủi để trị tiểu đường.
Bác sĩ Nguyễn Công Bình, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết: "Nhiều bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng rất nặng nề, nguy hiểm tính mạng".
Bệnh tiểu đường hiện chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn. Một số người lợi dụng tâm lý lo lắng của bệnh nhân để bán các loại "thuốc" không rõ thành phần, nguồn gốc, với hứa hẹn "khỏi bệnh hoàn toàn", rất nguy hiểm khi người bệnh tin theo và bỏ điều trị.
Bác sĩ cảnh báo người bệnh cần tỉnh táo và trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn phù hợp, tránh dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được Bộ Y tế cấp phép.
Nguồn: vnexpress.net
Khoảng 18h30 ngày 17.1.2021, Trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương tiếp nhận nam bệnh nhân 33 tuổi (ở Bắc Quang, Hà Giang) trong tình trạng khó thở, đau tức nhiều ngực trái, thở phì phò, nhịp thở nhanh, vết máu khô ở mũi.
Các bác sĩ khám thành ngực trái ngay sát núm vú trái gần đường nách trước có 1 vết thương đi vào do hoả khí kích thước khoảng 3cm, không sắc gọn, có máu rỉ ra và không thấy đường ra của mảnh đạn.
Theo lời kể người nhà bệnh nhân: Bệnh nhân đi rừng tìm cây thuốc giẫm phải bẫy súng (không rõ loại súng gì), súng nổ bắn vào ngực trái từ khoảng 11h trưa cùng ngày. Sau tai nạn, ngực trái có vết thương chảy máu nhiều, ho ra máu, sơ cứu cầm máu tại chỗ, gọi người nhà đưa xuống Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cấp cứu.
Ngay sau khi tiếp cận, bệnh nhân được chụp X-quang và cắt lớp vi tính ngực xác định thương tổn và được chỉ định mổ cấp cứu.
Trên hình ảnh, các bác sĩ nhận thấy mảnh đạn đâm xuyên từ thành trước ngực, xuyên qua phổi và vẫn nằm trong cơ thể người bệnh.
Xác định tình trạng rất nguy kịch, bệnh nhân được truyền máu, hồi sức đưa về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Bệnh nhân được đưa vào mổ cấp cứu lúc 6h ngày 18.1, trong mổ bệnh nhân được truyền thêm 4 lít máu.
Hiện bệnh nhân đã tạm thời qua cơn nguy kịch.