Cùng eDoctor cập nhật các thông tin sức khỏe/ y tế nổi bật của những ngày vừa qua nhé!!
Cô gái 20 tuổi, chưa lập gia đình, vài tháng nay đau bụng lâm râm, bụng to dần, bác sĩ chẩn đoán ung thư buồng trứng giai đoạn muộn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, ngày 10/4 cho biết cô gái quê Bình Định vào viện vì đột ngột đau bụng dữ dội, toát mồ hôi, mệt lả người. Bác sĩ xác định bệnh nhân đang mất máu quá nhiều đe dọa tính mạng, khả năng do vỡ bướu buồng trứng gây xuất huyết.
Các ca mổ khác đã lên lịch được tạm hoãn để ưu tiên phẫu thuật cho bệnh nhân này. Kíp mổ ghi nhận buồng trứng hai bên đang chảy máu, số lượng máu trong ổ bụng khoảng hai lít, bệnh nhân đang tình trạng tụt huyết áp.
Sau khi cung cấp lại số lượng máu mất, huyết áp tăng lên, bệnh nhân được cắt toàn bộ tử cung và hai buồng trứng, mạc nối lớn... "Dù cứu sống trong gang tấc nhưng cô gái trẻ sẽ vĩnh viễn mất chức năng làm mẹ vì phát hiện ung thư buồng trứng quá trễ", bác sĩ Tiến nói.
Nếu phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm, bác sĩ sẽ có nhiều lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân.
Ngày 10/4, sau mổ một ngày, bệnh nhân tỉnh táo, vết mổ khô, sinh hiệu ổn, dự kiến sẽ tiếp tục được hóa trị.
Đến sáng 12/4, Bộ Y tế cho biết đã có 58.418 người Việt Nam tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đối với vaccine COVID-19 do COVAX tài trợ, ngay sau khi được cấp phép kiểm định, Dự án Tiêm chủng mở rộng vận chuyển đến toàn bộ số vaccine đến các địa phương trên cả nước.
Tính đến 16 giờ ngày 11/04/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 tại 19 tỉnh/TP cho 58.418 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.
Riêng trong tuần qua, từ ngày 5-11/4, có thêm 6.005 người được tiêm chủng vaccine COVID-19. Chi tiết 6.005 người được tiêm tại 9 tỉnh/TP trong các ngày 5-11/04/2021 như sau: Hà Nội: 739 người; Quảng Ninh: 97 người; Hải Phòng: 491 người; Bắc Ninh: 612 người; Hòa Bình: 43 người; Hà Giang: 72 người; TP. Hồ Chí Minh: 3600 người; Bà Rịa - Vũng Tàu: 151 người; Gia Lai: 200 người.
Ngay sau khi được cấp phép kiểm định, toàn bộ số vaccine phòng COVID-19 đợt 2 được Dự án Tiêm chủng mở rộng vận chuyển đến các địa phương trên cả nước.
Trong tuần tới, tất cả các địa phương sẽ nhận những liều vaccine COVID-19 đầu tiên do COVAX viện trợ.
Dùng máy xông tinh dầu đuổi muỗi trong phòng ngủ, sáng hôm sau hai vợ chồng cùng hai con đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn.
Bác sĩ Hoàng Công Tình, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, ngày 9/4 cho biết gia đình có hai vợ chồng và hai bé, một bé 3 tuổi, một bé 8 tuổi. Trước đó 10 ngày, gia đình mua một bộ máy xông tinh dầu đuổi muỗi về đặt ở chỗ bán hàng tầng một, nơi người chồng thường xuyên bán hàng. Loại tinh dầu có nhãn hiệu nước ngoài, không có chữ tiếng Việt.
Một tuần sau, gia đình mang máy xông tinh dầu vào phòng ngủ ở tầng 2, cho máy hoạt động trong khi ngủ. Sáng hôm sau dậy, vợ chồng con cái đều có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu và nôn. Người chồng có triệu chứng nặng hơn so với vợ con.
Bác sĩ Tình chẩn đoán cả bốn người bị ngộ độc từ tinh dầu ở máy xông, người chồng có triệu chứng nặng hơn do số ngày tiếp xúc nhiều hơn với máy xông.
Sau ba ngày điều trị, hiện hai bé đã ổn định sức khỏe, được theo dõi và chăm sóc ở nhà. Bố mẹ các cháu vẫn phải điều trị trong bệnh viện, các triệu chứng ngộ độc đã giảm. Các bác sĩ đang theo dõi sát dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân.
Người phụ nữ 50 tuổi quê Vĩnh Phúc, đau đầu dữ dội, tê nửa mặt gần một tháng trước khi phát hiện có khối u nằm sâu trong não.
Bệnh nhân tự mua thuốc đau đầu về uống, không giảm đau, sức khỏe ngày càng suy kiệt. Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á xác định bệnh nhân có khối u nguyên bào mạch máu não tiểu não (Hemangioblastoma). Khối u nằm ở vị trí rất sâu và phức tạp bên trong não, đã diễn tiến phù tiểu não, giãn não thất.
Bác sĩ Trương Thái Dương, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, cho biết u nguyên bào mạch máu là lành tính, có thể xuất hiện nhiều nơi, trong đó có hệ thần kinh trung ương. Loại u này chiếm khoảng 1-2,5% các khối u trong sọ. 80% ca u nguyên bào mạch máu ở tủy sống và liên quan đến bệnh von Hippel-Lindau (bất thường nhiễm sắc thể).
Với các u nguyên bào mạch máu, nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, có nguy cơ xuất huyết, gây tử vong nhanh chóng. U càng lớn, tình trạng giãn não thất trên lều tiến triển, làm các triệu chứng lâm sàng càng trầm trọng. Một số trường hợp, nếu không thể loại bỏ u triệt để, tỷ lệ tái phát khoảng 25%.
Ở bệnh nhân này, khi u to thêm, bà không chỉ đau đầu tăng dần, mà còn nguy cơ yếu liệt, thậm chí hôn mê và tử vong bất cứ lúc nào. Phương án điều trị tốt nhất là phẫu thuật cắt u triệt để.
Các bác sĩ đã bóc tách u, kiểm soát mạch máu nuôi u, mô thần kinh, đồng thời hạn chế sang thương chức năng tiểu não và các thành phần quan trọng. Khối u được lấy ra toàn bộ, ngày 31/3, do đó nguy cơ tái phát gần như không còn.
Hiện, bệnh nhân đã ổn định và giảm đau đầu, không có rối loạn tri giác, vận động tứ chi tốt.
Bệnh nhân 41 tuổi sau khi ăn thịt ba ba thì xuất hiện mẩn đỏ, ngứa toàn thân, sau đó lơ mơ, nhịp tim nhanh, khó thở.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cao Bằng cho biết khi xuất hiện mẩn đỏ, bệnh nhân tự uống thuốc chống dị ứng nhưng không bớt, được người nhà đưa vào viện ngày 8/4. Lúc này, người bệnh đã mẩn đỏ toàn thân, mạch nhanh, huyết áp không đo được. Các bác sĩ chẩn đoán sốc phản vệ do ăn thịt ba ba. Bệnh nhân được hồi sức cấp cứu, điều trị tích cực. Hiện tại bệnh nhân qua cơn nguy kịch, da đỡ mẩn đỏ, đỡ ngứa, huyết áp đo được.
Thịt ba ba được xem như món "nhà giàu" bởi giá cao. Đây là món ăn hỗ trợ bổ thận tráng dương, điều hòa kinh nguyệt, đổ mồ hôi trộm... Trong 100 g thịt ba ba chứa khoảng 16,5 g protid, 1,6 g carbonhydrat, 1g lipid, 107 mg calci, 1,4 mg sắt, 3,7 mg acid cotinic, vitamin B1, B2, vitamin A và nhiều chất dinh dưỡng khác. Mai ba ba dùng bồi bổ cho người gầy, lao lực quá độ, nhức xương... Thịt ba ba có tác dụng chữa bệnh lao phổi, khí hư, ốm yếu.
Các bác sĩ cho biết ba ba là loài có tập tính thích ăn thi thể động vật đã chết. Do đó thịt ba ba thường tiềm ẩn nhiều loại vi khuẩn có hại, có nguy cơ gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm ở người khi chế biến. Nếu ăn phải ba ba chết, chất đạm đã phân hủy, các acid amin chuyển hóa thành chất gây ngộ độc hoặc dị ứng cho người ăn.
Cùng với đó, hàm lượng protein trong thịt ba ba quá cao, khi hấp thu vào cơ thể người có thể gây ra tình trạng khó tiêu, đầy bụng. Ba ba được xếp vào loại thực phẩm dễ gây dị ứng không phù hợp với người có cơ địa dị ứng, mẫn cảm cùng với hải sản, nhộng, thịt bò, trứng, đậu phộng.
Các bác sĩ khuyến cáo người dễ bị dị ứng với hải sản, mẫn cảm với các thành phần trong thịt ba ba có nguy cơ bị dị ứng, sốc phản vệ, không nên ăn thịt ba ba. Trong trường hợp nếu thấy mẩn ngứa, khó chịu khi ăn thực phẩm lạ phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.