Cùng eDoctor cập nhật các thông tin sức khỏe/ y tế nổi bật trong ngày nhé!
Sau hai ngày triển khai tiêm vaccine Covid-19, 522 người tại 6 cơ sở y tế được tiêm, trong đó 5 người xuất hiện phản ứng phụ phải theo dõi xử trí tại bệnh viện.
Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR), đến cuối giờ chiều 9/3, có 522 người đã tiêm, là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng.
Cụ thể, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã tiêm 107 người, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đã tiêm 104 người. Hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành, tiêm cho 206 người.
Hai cơ sở mới triển khai trong ngày 9/3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, TP Hà Nội, tiêm 36 người, Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai tiêm 69 người.
Theo báo cáo nhanh từ các địa điểm tiêm chủng, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng vacicne Covid-19 AstraZeneca, đa số là phản ứng thông thường sau tiêm đã được khuyến cáo như đau cơ, mệt mỏi, sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng đau tại chỗ tiêm, buồn nôn...
Có 5 trường hợp được theo dõi xử trí tại bệnh viện, trong đó có 2 trường hợp phản vệ độ 2 đã được xử lý, sức khỏe đã trở lại bình thường, 3 trường hợp tiêu chảy, dị ứng, kẹt huyết áp. Sức khỏe của tất cả trường hợp trên hiện đã ổn định.
Nội dung này được đề cập trong văn bản Sở Y tế vừa gửi UBND TP HCM đề xuất chủ trương cung ứng vaccine Covid-19 trong thời gian tới. Theo Sở Y tế, TP HCM có khoảng 9 triệu người thuộc nhóm tiêm chủng, tương đương nhu cầu là 18 triệu liều (một liệu trình vaccine gồm 2 mũi tiêm).
Thời gian qua, giới chức y tế TP HCM đã đàm phán với hãng dược Moderna của Mỹ, nhà sản xuất này đồng ý cung cấp 5 triệu liều vaccine mRNA-1273 trong quý 3. Theo Sở Y tế, vaccine mRNA-1273 của Moderna bảo đảm chất lượng được 6 tháng ở nhiệt độ -20°C, có thể bảo quản từ 2 đến 8 độ C trong 30 ngày. Hiệu quả phòng Covid-19 của vaccine đạt 94,1%.
Về kinh phí, Sở cho biết sẽ huy động từ nguồn ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động phòng, chống dịch; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM tiếp nhận.
Hiện tại, Việt Nam có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine Covid-19, trong đó hai loại vaccine đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng là Nanocovax của công ty Nanogen và Covivac của IVAC. Dự kiến, nếu mọi việc thuận lợi, đến quý 2/2022, vaccine Covid-19 do sản xuất trong nước mới có thể đưa ra thị trường.
Bé 5 tháng tuổi, nhập viện Sản Nhi Quảng Ninh ngày 9/3 mắc bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, bác sĩ Trịnh Trương Tuyên cho biết tình trạng bé có thể gây suy tim. Toàn bộ sức lực cơ thể bé chỉ dành cho quả tim, khiến em không còn sức để tự bú mẹ, tự thở dẫn đến suy kiệt. Bé được dùng thuốc chống suy tim khi sinh để vượt qua giai đoạn sơ sinh.
Đến ngày 9/3, thuốc chống suy tim không thể tiếp tục kiểm soát tình trạng tim bé. Một ê kíp gồm 5 bác sĩ và 5 điều dưỡng, kỹ thuật viên tiến hành can thiệp trong 4 giờ để hồi sinh trái tim cho bé.
Hiện, bệnh nhi được chuyển sang khu vực hồi sức với các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường.
Nguồn: vnexpress.net
Các nhà khoa học phát hiện 429 bệnh nhân ở Congo có thể tự kiểm soát lượng virus HIV mà không cần dùng thuốc kháng virus.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia Trường Y khoa Johns Hopkins ở Baltimore, Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm ở Mỹ, công ty Abbott. Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí eBioMedicine ngày 2/3.
Các nhà nghiên cứu khảo sát 10.457 bệnh nhân HIV, phát hiện có 429 người ở Cộng hòa Dân chủ Congo dương tính với kháng thể HIV nhưng lại âm tính với tải lượng virus HIV.
Hiện nay, hầu hết người nhiễm HIV phải uống thuốc kháng virus hàng ngày để ức chế và giảm tải lượng virus trong cơ thể. Các chuyên gia chưa thể giải thích lý do "những người kiểm soát HIV ưu tú" ở Congo có thể ngăn HIV phát triển trong cơ thể của họ.
Hiểu được cách nhóm bệnh nhân này duy trì tải lượng virus ở mức thấp là cơ sở quan trọng để kiểm soát virus. Tuy nhiên, bà Rodgers nhấn mạnh cần phải thực hiện thêm nghiên cứu sâu về nhóm này. Trước đây có một số người ban đầu cho thấy khả năng chống virus tuyệt vời nhưng khi bệnh tiến triển, khả năng miễn dịch mất đi.
Tiến sĩ Michael Brady, Giám đốc y tế tại Terrence Higgins Trust, cho biết, nhờ các phương pháp điều trị hiện đại, hiệu quả, những người nhiễm HIV giờ đây sẽ sống lâu và khỏe mạnh, tự tin sẽ không truyền virus cho bạn tình. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để phát triển một loại vaccine hiệu quả và cuối cùng là một phương pháp chữa khỏi HIV.
Trang Weather Online của Anh và AccuWeather Mỹ dự báo chỉ số tia cực tím (UV) tại TP HCM từ nay đến ngày 20/3, ở mức "cực đại" 10-11.
Khoảng một tuần nay, nhiệt độ tại TP HCM và Nam Bộ trung bình 36 độ C, thêm ảnh hưởng của đô thị hóa khiến nóng đến 38 độ C. Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ nhận định ngày 9/3 khối áp cao cận nhiệt đới suy yếu, nhiệt độ tại TP HCM và Nam Bộ trung bình từ 34 đến 36 độ C. Đến ngày 12/3, dự báo nắng nóng trở lại khắp Nam Bộ.
Chỉ số UV tại TP HCM những ngày này trong khoảng từ 0 (vào ban đêm) đến 11 hoặc 12 (ban ngày). Ở Anh, chỉ số này thường không vượt quá 8. Chỉ số UV càng cao, liều lượng bức xạ gây hại da và mắt càng lớn.
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ (EPA), khi chỉ số tia cực tím từ mức 11 trở lên, nguy cơ da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng vài phút mà không được bảo vệ. Khi chỉ số UV 7-10, da "nhanh chóng hỏng và bỏng" trong 30-60 phút. UV từ 3 trở lên, người đi đường phải mặc áo chống nắng, đeo kiếng mát che chắn để bảo vệ cơ thể.
Theo bác sĩ Đoàn, tùy mức độ tiếp xúc và cường độ của tia cực tím, da có thể có các biểu hiện tổn thương khác nhau như tiết nhiều bã nhờn gây mụn trứng cá, bỏng nắng, đỏ rát, nám da. Nghiêm trọng hơn thì có thể ung thư da hoặc nhiễm trùng da.
Bác sĩ Đoàn cũng khuyến cáo để tránh tổn thương da, hạn chế ra đường giờ cao điểm nắng nóng, từ 9 đến 16h. Đây là khung giờ có cường độ tia UV cao, đặc biệt giữa trưa. Nếu có việc phải ra ngoài, cần đội nón rộng vành, đeo khẩu trang tối màu, thoa kem chống nắng, đeo kính râm để bảo vệ mắt, mặc quần áo dài tay, tìm bóng râm để trú để giảm bớt tình trạng nắng chiếu trực tiếp trên da. Sử dụng loại kem chống nắng phổ rộng, chống được tia UV. Kem chống nắng chỉ số SPF từ 30 trở lên có thể chống cả tia UVA và ánh sáng nhìn thấy.