Cùng eDoctor điểm qua một vài tin tức nổi bật của vài ngày qua nhé!
Ngày 5-1, bác sĩ Lê Văn Tuấn - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, đơn vị đã thực hiện thành công ca phẫu thuật sử dụng mảnh ghép in 3D hợp kim Titanium dạng tổ ong thay một đoạn xương chày cho bệnh nhân ung thư xương.
Đây là kỹ thuật hoàn toàn mới lần đầu tiên được áp dụng thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Vào tháng 3-2019, anh H.V.K. (33 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám do một khối u ngày một lớn trên xương chày chân trái. Điều này khiến anh bị hạn chế vận động ở khớp gối.
Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị ung thư xương ác tính. Trước khi được ghép, bệnh nhân đã trải qua 6 đợt hóa trị và được phẫu thuật cắt trọn khối u. Tuy vậy di chứng để lại sau phẫu thuật là chân trái có một lỗ khuyết hổng trên xương chày khoảng 11cm.
Thông thường sau khi bị cắt gọt xương chân phía dưới, các bác sĩ sẽ cắt một phần xương đùi trên chuyển xuống ghép vào phần xương bị khuyết. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là trục của xương chi thay đổi, đi lại khó khăn. Chưa kể, việc cắt xương đùi ở trên khiến vết mổ rộng; ca mổ kéo dài gây nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng rất cao.
Từ các hạn chế này, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thiết kế bản in 3D, đồng thời trao đổi gửi Viện nghiên cứu CSIRO (Úc), tiến hành thiết kế xương thay thế phù hợp với bệnh nhân.
"Dựa trên kích thước, hình dạng của phần xương bị khuyết và hình ảnh mô phỏng của chân đối diện, chúng tôi đã phối hợp tạo ra một mảnh ghép bằng hợp kim Titanium dạng tổ ong, sau đó tiến hành ghép vào phần xương bị khuyết cho bệnh nhân. Chỉ 4 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã tập đi lại, có thể đi lại bình thường sau 5-6 tháng" - bác sĩ Đỗ Phước Hùng, phó khoa chấn thương chỉnh hình, nói.
Phòng khám này hiện đã dừng hoạt động. Vào dịp Giáng sinh, bác sĩ chuyên khoa ung thư Omar Atiq viết thư cho các bệnh nhân cũ của phòng khám, thông báo những chi phí điều trị họ chưa thanh toán sẽ được xóa bỏ, kèm câu chúc "Nghỉ lễ vui vẻ".
Atiq từng làm việc với các công ty đòi nợ thuê để truy thu số tiền bệnh nhân nợ phòng khám. Nay, nhận ra có rất nhiều người mất khả năng chi trả, ông ngừng đòi nợ.
"Bước chân vào nghề bác sĩ, tôi luôn cảm thấy nhức nhối khi chứng kiến những nỗi lo lắng dày vò bệnh nhân từ sức khỏe, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ, công việc, cho đến gia đình và tiền bạc", ông nói. "Trong hoàn cảnh tan hoang của dịch bệnh, thật may khi Chúa vẫn cho chúng ta được yên ổn, nên tôi làm việc này (xóa nợ) với tâm thế đóng góp cho cộng đồng".
Ông hy vọng hành động của mình sẽ giúp người bệnh "dễ thở hơn một chút", để họ có thêm sức mạnh đối mặt với những khó khăn khác trong tương lai.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, cho biết trước nhập viện 30 phút, bệnh nhân nữ 50 tuổi nặng ngực tăng dần, tự uống thuốc không bớt. Rạng sáng 31/12/2020 bà được đưa đến một phòng khám gần nhà, hôn mê sâu, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Án Tây Ninh cấp cứu. Lúc này, bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở.
Các bác sĩ liên tục hồi sức tích cực, giúp bệnh nhân thở và có nhịp tim trở lại. Kết quả đo điện tim cho thấy bà bị nhồi máu cơ tim cấp, phải can thiệp mạch vành ngay.
Bằng hệ thống máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền (DSA), các bác sĩ đã nong và đặt stent mạch vành cho bệnh nhân thành công. Hiện, sức khỏe bà ổn định và hồi phục tốt.
Bệnh nhân nam 58 tuổi quê ở Bạc Liêu cấp cứu bệnh viện địa phương 10 ngày trước, huyết áp khó đo, suy hô hấp nặng. Bác sĩ cho thở máy, kháng sinh liều cao, vận mạch... và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Bác sĩ đặt ống nội khí quản, gắn máy trợ thở, bệnh nhân nguy kịch, tri giác lơ mơ, huyết áp thấp, nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực Chống độc xác định bệnh nhân viêm mô tế bào cẳng chân phải, nhiễm trùng huyết biến chứng choáng nhiễm trùng suy đa cơ quan.
Bệnh nhân được lọc máu liên tục, sử dụng kháng sinh phổ rộng. Sau 48 giờ lọc máu liên tục, huyết áp bệnh nhân cải thiện dần, ngưng được thuốc vận mạch, các chỉ số suy tạng dần trở về bình thường.
Sau bốn ngày điều trị tích cực, bệnh nhân ngưng máy thở và rút nội khí quản. Ngày 7/1, bệnh nhân tỉnh táo, sinh hiệu ổn, được theo dõi điều trị tiếp tại khoa Nội Tim mạch - Khớp.
Nguồn: vnexpress.net
Bệnh nhân 58 tuổi ở Quảng Ninh, ngã gây vết thương nhỏ, không sưng. Năm ngày sau ông đau cơ, co cứng cơ vùng ngực và lưng, hạn chế vận động.
Bệnh nhân đã được chuyển đến Khoa Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả, chẩn đoán ban đầu đau lưng, đau thần kinh vai gáy.
Bác sĩ khám phát hiện bệnh nhân cứng hàm, vết thương xước vùng da ở ngón tay phải và ống chân phải, chẩn đoán bị uốn ván toàn thể. Chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh nhân nhanh chóng xuất hiện các cơn co cơ toàn thân, khó thở, đe dọa tính mạng. Bác sĩ mở khí quản cấp cứu, dùng thuốc đặc hiệu điều trị uốn ván và thở máy liên tục.
Sau 18 ngày điều trị, bệnh nhân ngừng thuốc an thần, giãn cơ, tỉnh táo nhưng vẫn còn các cơn co cứng cơ, đổ mồ hôi, rối loạn thần kinh thực vật. Sau 25 ngày, bệnh nhân cai thở máy, phục hồi tích cực. Sau 35 ngày, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, nói được và ăn uống bình thường, không còn các cơn cứng cơ. Ngày 5/1, bệnh nhân tiếp tục điều trị phục hồi chức năng tại khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng.
Bác sĩ Đỗ Huy Đính, Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, nhận định đây là ca uốn ván khởi phát sớm, thời gian ủ bệnh ngắn (5 ngày). May mắn các bác sĩ phát hiện kịp thời, chẩn đoán chính xác, cứu sống người bệnh.