Thứ 6 vui vẻ, cùng eDoctor điểm qua những tin tức y tế, sức khỏe của ngày hôm nay 6/11 nhé!
Liên tiếp phát hiện mắc ba loại ung thư đại tràng, vú, phổi, bà Phan Thị Thanh Thuận, 65 tuổi, nhiều lần tuyệt vọng muốn buông xuôi.
"Hơn 4 năm qua, tôi chưa được ra viện", bà cho biết. Bà giơ hai cánh tay, một tay to, một tay bé: "Tay bị phù bác sĩ bảo do biến chứng khi điều trị ung thư vú. Còn những cơn ho, khó thở, nhất là khi thời tiết trở lạnh như mấy ngày nay, là ảnh hưởng bởi ung thư phổi". Tổng cộng suốt 4 năm từ phát hiện bệnh ung thư đầu tiên tới khi điều trị ung thư phổi, bà Thuận trải qua 47 lần truyền hóa chất, 25 lần xạ trị. Hiện tại, sức khỏe của bà Thuận ổn hơn, nhưng mọi sinh hoạt cá nhân vẫn cần người giúp đỡ do tay chân, các giác quan đều rất yếu. Ngoài những ngày đến bệnh viện, bà tập hát, đi du lịch cùng gia đình và tham gia câu lạc bộ dành cho bệnh nhân ung thư.
Nguồn: vnexpress.net
Bệnh nhân nam, 45 tuổi, ung thư gan giai đoạn cuối, thể trạng suy kiệt, đau đớn, sút cân, mất ngủ.
Ung thư gan đã gây tổn thương lan rộng trong cơ thể người bệnh, gây đau nhiều. Bác sĩ Trịnh Tú Tâm, Trưởng đơn vị Điện quang Can thiệp và Điều trị đau, Bệnh viện Hữu Nghị, ngày 3/11 thực hiện kỹ thuật diệt hạch đám rối thân tạng bằng cồn tuyệt đối để giảm đau cho bệnh nhân. Thực hiện kỹ thuật cần có hướng dẫn của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, cắt lớp vi tính, màn tăng sáng. Đường kim chọc vào đám rối thân tạng phải chính xác tuyệt đối, tránh làm tổn thương các tạng trong ổ bụng hoặc mạch máu khi can thiệp. Sau can thiệp, bệnh nhân hết đau, ngủ được, ăn uống trở lại.
Nguồn: vnexpress.net
Khi bé uống nhầm hóa chất, ho sặc sụa, người nhà móc họng cho nôn, tự theo dõi ở nhà. Hai ngày sau bé nuốt nghẹn, không ăn được cơm cháo hay uống sữa.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết khi được đưa vào bệnh viện, bé lừ đừ, đau rát ngực. Các bác sĩ xác định loại hóa chất trẻ uống nhầm là Methyl Ethyl Ketone Peroxide. Đây là loại hóa chất có tính oxid hóa ăn mòn làm tổn thương da, đặc biệt là niêm mạc đường thở, đường tiêu hóa, gây chít hẹp. Độc chất vào máu làm tổn thương gan, thận, phổi, não... Kết quả nội soi cho thấy thực quản và đoạn đầu tá tràng của bé nhiều vết bỏng loét, chít hẹp. Gan bệnh nhi ngộ độc nặng, men gan trên 1.000 dv/L trong khi bình thường men gan dưới 40 dv/L. Xét nghiệm độc chất cho thấy nồng độ hoạt chất Methyl Ethyl Ketone trong máu là 5,01 mg/L, trong khi cơ thể không có chất này. Trẻ được truyền thuốc chống oxid hóa để hóa giải chất độc trong máu, tránh gây tổn thương thêm gan, thận, phổi, não. Bác sĩ cũng đặt ống thông qua các chỗ bị chít hẹp, vừa nong không cho hẹp thêm, vừa nuôi ăn cho bé. Một tháng điều trị tích cực, bé mới qua cơn nguy kịch. Sức khỏe cải thiện dần, trẻ bắt đầu tự ăn uống được, không còn mắc nghẹn, nôn ói, độc chất trong máu không còn.
Nguồn: vnexpress.net
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, ngày 6/11 cho biết sản phụ mang thai tuần 35 trên vết mổ đẻ cũ, có dấu hiệu chuyển dạ, gia đình đưa đến bệnh viện. Trong thai kỳ, chị đã được bác sĩ xác định có hai tử cung, trong đó thai nhi nằm ở tử cung phải.
Tử cung không chứa em bé nằm phía trước, chèn ép cửa ra để bé chào đời. Sản phụ phải sinh mổ, bé gái chào đời khỏe mạnh, nặng 2,3 kg. Tử cung phải sản phụ chảy máu, được cắt bỏ ngay sau khi bé chào đời.
Nguồn: vnexpress.net
Thai phụ N.Q.P., 24 tuổi ở Hà Nội nhập viện tại Bệnh viện Việt Pháp để sinh thường từ ngày 1/11, sử dụng dịch vụ “thai sản và sinh trọn gói”. Trưa ngày 2/11, chị P. sinh thường con gái nặng 3,7 kg. Không may sau khi sinh sản phụ bị băng huyết, dù được phẫu thuật và cấp cứu tích cực nhưng đã không qua khỏi, tử vong vào chiều 4/11.
Phía bệnh viện cho biết, trong những ngày tới sẽ lập hội đồng chuyên môn gồm nhiều chuyên gia đầu ngành từ các bệnh viện khác để xác định chính xác nguyên nhân tử vong và xem xét lại toàn bộ quy trình.
Nguồn: vietnamnet.vn