Cùng eDoctor điểm qua một vài tin tức nổi bật của cuối tuần vừa qua nhé!
Thessaloniki là một trong những thành phố tại Hy Lạp có nhiều ca nhiễm nCov nhất. Những khoa chăm sóc đặc biệt của các bệnh viện đã lấp đầy bệnh nhân.
Tachtatzoglou phải ở nhà cách ly sau khi vợ, anh vợ, cha mẹ vợ đều dương tính với nCoV. Anh quyết định sử dụng kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân của mình để lo cho người thân.
Gia đình anh nói quyết định đó có lẽ đã cứu sống họ.
"Nếu chúng tôi đến bệnh viện, tôi không biết tình hình sẽ tệ đến đâu", Polychoni Stergiou, mẹ vợ 64 tuổi của anh nói.
Tachtatzoglou thiết lập một phòng chăm sóc tạm thời tại tầng dưới của ngôi nhà hai tầng của gia đình ở làng Agios Athanasios, cách thành phố khoảng 30 km. Anh thuê, mượn và thay đổi công năng của màn hình, máy cung cấp oxy và các thiết bị khác cần thiết cho việc chữa trị.
Anh dùng giá treo mũ nón để treo túi dịch truyền chứa thuốc kháng sinh cho cả 4 người để tránh mất nước và hạ sốt.
"Tôi đã làm việc trong khu chăm sóc đặc biệt được 20 năm và tôi không muốn khiến bố mẹ vợ phải trải qua những căng thẳng tâm lý khi cách ly. Thêm vào đó, dịch vụ y tế đã quá tải", Tachtatzoglou nói.
"Chúng tôi đã khóc rất nhiều. Đã có lúc tôi tuyệt vọng và sợ sẽ mất những người thân yêu", anh nói. Vì không có đủ phương tiện bảo vệ cá nhân nên anh cũng bị nhiễm virus và phát bệnh. Nhưng may mắn là mọi người đã vượt qua.
Cụ 85 tuổi ở Hà Nội, được châm 30 phút mỗi ngày theo đợt một tháng hoặc tháng rưỡi, nghỉ 2-4 tuần giữa các đợt. Chỉ hai tuần đầu tiên, bệnh nhân đã bắt đầu tập đi. Sau đợt một, cụ có thể đi bằng gậy hoặc vịn thang tường, tự làm được vệ sinh cá nhân.
Một bệnh nhân khác 36 tuổi, bị đột quỵ não, nhập viện ngày 22/12. Bác sĩ đánh giá bệnh nhân bị liệt nửa người mức độ nặng, ý thức kém, đã có 7 tháng phục hồi chức năng nhiều nơi song không cải thiện. Khi nhập viện, bệnh nhân liệt hoàn toàn nửa người phải.
Sau hai tuần điện châm, bệnh nhân bắt đầu có những cử động tay chân. Bác sĩ tiên lượng tối thiểu hai tháng bệnh nhân sẽ có thể đi lại bằng gậy hoặc vịn thang tường. Những đợt điều trị sau sẽ tiến triển tốt hơn.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Ninh, Trưởng khoa Đột quỵ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết liệt nửa người là tình trạng một bên cơ thể suy yếu, đau tê nửa người bên phải hoặc bên trái, phụ thuộc vào vùng não bị tổn thương. Tổn thương não trái sẽ gây ra liệt nửa người phải và ngược lại. Bên liệt sẽ có cử động yếu hơn bên còn lại hoặc thậm chí không thể cử động. Nguyên nhân chính gây ra liệt nửa người là xuất huyết não hay đột quỵ xuất huyết, các bệnh về mạch máu não làm gián đoạn quá trình vận chuyển máu lên não, gây thiếu máu cục bộ dẫn đến đột quỵ.
Bác sĩ Ninh cho biết có nhiều phương pháp để phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ bị liệt nửa người, trong y học cổ truyền, châm cứu là phương pháp chính. Châm cứu là dùng kim châm vào các huyệt vị trên cơ thể người. Huyệt đạo là nơi thông khí vào ra trên cơ thể. Mỗi bên cơ thể người có khoảng 300 huyệt.
Theo y học cổ truyền, bệnh tật sinh ra do sự mất cân bằng âm dương, khí huyết. Khi kích thích các huyệt vị, kinh lạc, tác dụng làm cân bằng âm dương, điều hòa chức năng tạng phủ kinh lạc.
Y học hiện đại kết hợp kim châm và dòng điện để hỗ trợ kích thích, gọi là điện châm. Bác sĩ Ninh nhận định, khi điện châm, bằng cách truyền dòng điện một chiều qua kim châm, hiệu quả kích thích huyệt đạo sẽ được tăng lên đáng kể so với châm cứu truyền thống, từ đó giúp bệnh nhân liệt nửa người nhanh phục hồi hơn.
Miền bắc đang trải qua những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhiều nơi nhiệt độ dưới 10 độ C. Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nghèo với giá chỉ 20.000 đồng một người một ngày đêm. Song, trên vỉa hè dọc trục đường khoa Cấp cứu A9 - nơi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân cấp cứu từ các tỉnh chuyển đến - từ lâu đã trở thành "bến đậu" của rất nhiều người nhà người bệnh.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, lực lượng bảo vệ bệnh viện thường xuyên đi vận động người nhà vào nhà lưu trú nghỉ ngơi để tránh rét, bảo đảm sức khỏe và giữ gìn tài sản cá nhân. Tuy nhiên, với lý do cần theo dõi tình hình của người nhà đang cấp cứu một cách kịp thời, nhiều người vẫn trú ngụ ở ghế đá, hàng cây.
Mùa đông năm nay, bệnh viện mua 20 cây sưởi gas công nghiệp, đặt tại các vị trí trên vỉa hè dọc trục đường A9. Đó là các cây sưởi được thiết kế dạng ô xòe, sử dụng gas làm nhiên liệu phát nhiệt, lưu lượng nhiệt gấp 6 lần máy sưởi thông thường.
Nguồn: vnexpress.net
TS Dương Hữu Thái - Viện trưởng Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết vắc xin COVID-19 của IVAC đã được thử nghiệm trên động vật như chuột đất vàng, chuột nhắt, thỏ... Kết quả cho thấy vắc xin tạo được miễn dịch cao trên động vật.
"Vắc xin đã được đánh giá có tính an toàn, khả năng miễn dịch hiệu lực bảo vệ trên động vật. Vì vậy, IVAC trình Bộ Y tế để thử nghiệm trên người, dự kiến vào cuối tháng 1/2021"- TS Dương Hữu Thái thông tin.
Trước đó, IVAC dự kiến thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3/2021. Như vậy, tiến độ nghiên cứu của IVAC nhanh hơn dự kiến gần hai tháng.
Theo TS Dương Hữu Thái, IVAC bắt đầu thực hiện nghiên cứu vắc xin Covivac từ tháng 5/2020 với mục tiêu sản xuất được vắc xin và hoàn thành thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn trong 18 tháng.
Theo kế hoạch, IVAC phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), Đại học Y Hà Nội để thử nghiệm lâm sàng vắc xin. Vắc xin sẽ được chia ra nhiều hàm lượng liều khác nhau ứng với liều tiêm khác nhau và được thử với nhiều nhóm đối tượng, qua ba giai đoạn. Dự kiến liều lượng tiêm cho mỗi đối tượng là 1mcg, 3mcg và mỗi đối tượng tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày.
Quá trình đó, IVAC cùng các đơn vị của Bộ Y tế sẽ theo dõi tình hình của tình nguyện viên, diễn ra thuận lợi sẽ tiến hành các bước tiếp theo.
Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 1 tuổi từ 18 đến 59, khỏe mạnh, không mắc bệnh nền và được sàng lọc kỹ, cùng những tiêu chí đặc thù khác. Giai đoạn 1 sẽ kết thúc vào tháng 4-2020.
Nếu kết quả của 3 giai đoạn đều tốt, vắc xin COVID-19 thứ hai của Việt Nam sẽ ra mắt thị trường vào khoảng cuối năm 2021.
Ngày 2-1, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Huỳnh Minh Chín - giám đốc Trung tâm y tế huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, trưởng ban điều hành khu cách ly - cho biết hiện đang cách ly, theo dõi y tế cho 251 người trong chuyến bay từ Đức về Việt Nam ngày 31-12-2020.
Đây là các trường hợp F1 vì có tiếp xúc gần với 5 ca COVID-19 (bệnh nhân 1469 - 1473) đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Bác sĩ Chín cũng xác nhận trong quá trình tổ chức cho các trường hợp cách ly từ nước ngoài về, một nữ y sĩ ở trung tâm đã bị kiệt sức, phải đưa đi cấp cứu. Đó là y sĩ Ngô Thị Thu Trang, 24 tuổi, là nhân viên khoa y học cổ truyền thuộc Trung tâm y tế huyện Bàu Bàng.
Được biết vào tối 31-12, sau nhiều giờ cùng các đồng nghiệp tổ chức tiếp nhận cho 251 người cách ly, tới 1h sáng 1-1, y sĩ Trang bị kiệt sức.
Cha của y sĩ Trang cũng làm bảo vệ trong khu cách ly, làm nhiệm vụ thu gom rác thải y tế.
"Cách đây mấy hôm, cô của Trang ở ngoài miền Bắc mất nhưng do cả hai cha con đang làm trong khu cách ly nên không thể về quê được. Áp lực công việc và một phần do hoàn cảnh cá nhân có thể đã khiến Trang kiệt sức. Lãnh đạo trung tâm y tế đã về quê của Trang để viếng đám tang, chia sẻ với mất mát của gia đình" - bác sĩ Chín cho hay.
Hình ảnh y sĩ Trang được đồng nghiệp bế đi cấp cứu, hay lúc Trang ăn vội hộp cơm trong bộ đồ bảo hộ đã gây xúc động mạnh cho cộng đồng mạng.
Được biết, hiện tại sức khỏe của y sĩ Trang đã dần ổn định.