Theo ước tính, con người tiêu thụ từ 1 đến 2.7 kg thức ăn mỗi ngày, và tất cả lượng thức ăn đó đều được đưa đến hệ tiêu hóa. Với cấu tạo từ 10 cơ quan nội tạng có thể kéo dài tới 9 mét, đây là một trong những hệ thống phức tạp bậc nhất trong cơ thể.
Những chia sẻ dưới đây sẽ chia sẻ cụ thể hơn những bộ phận của hệ tiêu hoá, cách những bộ phận đó làm việc cùng nhau để chuyển hoá thức ăn thành chất dinh dưỡng và năng lượng nuôi sống cơ thể.
Cấu tạo của hệ tiêu hóa gồm ống tiêu hóa và tuyến tiêu hóa. Ống tiêu hóa là đường ống để thức ăn đi qua gồm khoang miệng, cổ họng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng và hậu môn.
Tuyến tiêu hóa gồm hai loại lớn và nhỏ. Tuyến tiêu hóa lớn gồm tuyến nước bọt, gan và tụy; tuyến tiêu hóa nhỏ nằm bên trong thành ống tiêu hóa lớn như tuyến dạ dày, tuyến ruột và tuyến ruột non.
Toàn bộ quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra trong khoảng 30 hoặc 40 giờ đồng hồ.
Trên thực tế, quá trình tiêu hoá bắt đầu trước cả khi lưỡi chạm vào đồ ăn. Khi nhận biết được một món ăn ngon, các tuyến trong miệng sẽ bắt đầu tiết nước bọt.
Khi đồ ăn được đưa vào trong miệng, hoạt động nhai kết hợp với nước bọt biến thức ăn thành một khối ẩm ướt dưới dạng viên nén. Các enzyme trong nước bọt tiến hành phân giải tinh bột. Sau đó, thức ăn tiếp tục chuyển tới đầu một ống dài 25cm được gọi là thực quản, rồi rơi xuống dạ dày.
Các dây thần kinh xung quanh mô thực quản nhận được tín hiệu thức ăn và kích hoạt các nhu động, tạo ra một chuỗi co thắt các cơ. Điều này giúp đẩy thức ăn vào dạ dày, sau đó thành dạ dày sẽ tiến hành co bóp và chia thức ăn thành nhiều phần nhỏ.
Hormone được tiết ra bởi các tế bào ở lớp lót góp phần kích hoạt việc giải phóng axit và dịch chứa nhiều enzym từ thành dạ dày để hoà tan thức ăn và phân giải các protein.
Những hormone này cũng phát thông báo cho tuyến tuỵ, gan và túi mật để sản xuất dịch tiêu hoá và vận chuyển mật giúp phân giải chất béo, chuẩn bị cho bước tiếp theo.
Sau ba giờ ở trong dạ dày, “viên nén” thức ăn giờ đã trở thành một dạng chất lỏng, được gọi là dịch dưỡng, sẵn sàng chuyển tới ruột non. Gan nhận mật từ túi mật và tiết mật vào tá tràng - phần đầu tiên của ruột non.
Tại đây, mật phân giải chất béo nổi trên bề mặt của hỗn hợp dịch dưỡng, tạo điều kiện cho dịch tuỵ và dịch ruột đã thấm vào trước đó tiêu hoá dễ dàng. Những dịch này chứa nhiều enzym hỗ trợ hiệu quả cho việc phân giải phân tử chất béo thành axit béo và glycerol để cơ thể nhanh chóng, thuận tiện hấp thụ.
Những enzym này cũng có tác dụng phân giải protein thành amino axit, cacbohydrat thành glucozơ. Quá trình này xảy ra ở vùng dưới của ruột non, nơi mà được bao phủ bởi hàng triệu các nhung mao ruột.
Những nhung mao ruột này tạo ra một diện tích bề mặt khổng lồ để tối đa hoá việc hấp thụ và đưa các phân tử đến máu. Máu đón nhận các phân tử này ở cuối quá trình tiêu hóa, sau đó vận chuyển đến các mô, cơ quan.
Tuy nhiên, vẫn chưa dừng lại ở đó. Những chất xơ, nước còn thừa và tế bào chết thải ra trong quá trình tiêu hoá đi xuống ruột già, hay còn gọi là đại tràng. Cơ thể sẽ đào thải hầu hết những chất còn sót lại qua thành ruột và hậu môn.
Nguồn: TEDtalk