Khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra căng thẳng, việc tìm kiếm các toa thuốc điều trị luôn là mối quan tâm hàng đầu. Nhưng cần nhớ, bất cứ quyết định dùng thuốc kê đơn (như kháng sinh, kháng viêm…) cần trao đổi với nhân viên y tế hoặc làm theo văn bản hướng dẫn của cơ quan Y tế.
Tất cả các kháng sinh như amoxicillin/acid clavulanic, azithromycin… đều không có tác dụng trên virus SARS-CoV-2. Kháng sinh chỉ có tác dụng trên vi khuẩn chứ hoàn toàn vô tác dụng với virus. Trước đây, một số ý kiến cho rằng azithromycin có thể có lợi vì có thêm tính kháng viêm, tuy nhiên nghiên cứu RECOVERY chỉ ra thuốc này không mang lại lợi ích gì với bệnh nhân COVID-19, đặc biệt trong tình trạng nặng.
Tất cả các nghiên cứu và khuyến cáo khác đều cho biết việc dùng kháng sinh cho bệnh COVID-19 là không hợp lý, và chỉ nên dùng khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn, tức là phải có đánh giá của nhân viên y tế. Sử dụng kháng sinh không đúng, không mang lại lợi ích, mà còn có nguy cơ gặp tác dụng phụ, và hơn hết khi lạm dụng, nếu sau này nhiễm trùng thì kháng sinh đó có thể mất tác dụng.
Cần phải hiểu là corticoid (dexamethason, methylprednisolon) có lợi khi bệnh trở nặng vì thuốc ức chế tác hại của hệ miễn dịch lên cơ thể; trong khi bệnh nhẹ trong giai đoạn sớm là thời điểm virus sinh sôi, ức chế miễn dịch lúc này lại khiến quá trình sinh sôi mạnh hơn, khiến bệnh nhân lâu khỏi bệnh, đồng thời có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch có hại mạnh hơn.
Đó là chưa kể những tác dụng phụ rất nhiều của các thuốc này như tăng đường huyết, giữ muối nước, tăng huyết áp… và có thể gây hại trên nhóm bệnh nhân có bệnh nền nếu không sử dụng đúng cách. Vì vậy, việc quyết định khi nào và có nên sử dụng corticoid rất cần nhân viên y tế đánh giá và theo dõi.
Nhìn chung, các thuốc này chống đông đường uống (rivaroxaban, apixaban...) có lợi cho bệnh nhân COVID-19 nặng nhưng bằng chứng không rõ ràng. Dĩ nhiên với trường hợp nhẹ thì không nên dùng vì nguy cơ gây chảy máu, đặc biệt trên những bệnh nhân có đang dùng thuốc kháng đông (loãng máu) khác.
Liều trong toa thuốc trên các trang mạng "kê" cao hơn liều khuyến cáo trong hướng dẫn, vậy nguy cơ chảy máu cũng tăng theo. Cần tham khảo nhân viên y tế hoặc nếu không thể thì theo hướng dẫn của Sở Y tế về việc sử dụng thuốc này nếu bệnh có dấu hiệu trở nặng.
Hai thuốc terpin-codein, bromhexin… chỉ có tác dụng trị triệu chứng ho mà thôi. Không phải bệnh nhân bị COVID-19 nào cũng ho, và không phải mức độ ho nào cũng đều dùng thuốc. Ngoài ra, còn có những biện pháp khác giảm ho lành tính và hiệu quả khác như bổ sung nhiều nước (làm loãng đờm), dùng một số thực phẩm, dược liệu như gừng, húng chanh…
Các thuốc trị ho, đặc biệt thuốc codein, cũng gây tác dụng phụ như buồn ngủ, táo bón. Và codein nếu dùng quá liều cũng dẫn đến ức chế hô hấp (bệnh nhân sẽ không thở được). Vì vậy, không phải ai cũng dùng các thuốc này.
Tương tự thuốc trị ho, thuốc paracetamol (hay acetaminophen) là thuốc điều trị triệu chứng sốt, đau nhức cơ trong COVID-19. Nếu không có sốt hay đau nhức cơ thì không nhất thiết sử dụng. Lưu ý liều không nên quá 3g/ngày và khoảng cách giữa mỗi lần uống tối thiểu 4 tiếng. Đã có trường hợp ngộ độc thuốc này vì tự ý dùng trị COVID theo hướng dẫn trên mạng xã hội.
Việc dùng vitamin C chủ yếu để bồi bổ cơ thể và phục hồi thể trạng. Vitamin C thường được nghĩ hữu ích vì giúp tăng cường miễn dịch, nhưng đừng quên còn nhiều chất khác cũng rất cần cho miễn dịch như vitamin D, vitamin A… và các khoáng chất như kẽm, sắt, selen…
Liều vitamin C bình thường mỗi người tầm 70-100mg/ngày nên dùng nhiều hơn lượng này khi cơ thể khỏe mạnh thì cơ thể cũng không hấp thu gì thêm. Dùng quá nhiều vitamin C (> 1000mg/ngày) và kéo dài có thể gây kích ứng dạ dày, tiêu chảy, sỏi thận… Vì vậy, chỉ cần chế độ dinh dưỡng hợp lý hoặc nếu không thể thì bổ sung multivitamin sẽ phù hợp hơn là chỉ dùng mỗi vitamin C.
DS.Nguyễn Quốc Hoà (Khoa Dược - Đại học Y Dược TP.HCM)
Theo nguồn: Bộ Y tế.