"Ăn thịt đỏ không ảnh hưởng đến nguy cơ tái phát hoặc tử vong do ung thư đại trực tràng". Đây là kết luận mới nhất dựa theo nghiên cứu thuần tập tiến cứu (prospective cohort study) tiến hành trên những bệnh nhân ung thư giai đoạn III được công bố trên JAMA Network Open tháng 2 năm 2022 vừa qua.
Bệnh nhân ung thư đại trực tràng có thể ăn thịt đỏ bình thường. Thịt đỏ và thịt đã chế biến không liên quan đến nguy cơ tái phát, tử vong do ung thư đại trực tràng.
“Tránh thịt đỏ và thịt chế biến sẵn là một trong số ít các khuyến cáo về chế độ ăn uống thường được đưa ra cho những đã và đang điều trị ung thư đại trực tràng. Khuyến cáo này dựa trên bằng chứng chắc chắn và nhất quán về mối liên quan giữa những thực phẩm này và nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng trên những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, vì vẫn có một số bằng chứng khác cho thấy thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể không gây hại gì ở những người đã mắc bệnh, một nhóm nghiên cứu đã tổ chức khảo sát lâm sàng để điều tra kỹ hơn về vấn đề này, với hi vọng có thể đưa ra khuyến cáo chính xác hơn cho người bệnh.
Nghiên cứu do Van Blarigan EL và đồng nghiệp bao gồm 1.011 bệnh nhân với độ tuổi trung bình 60 tuổi (từ 51-69 tuổi); tỉ lệ nữ giới 44% và tỉ lệ người bệnh da trắng 89% đã nhận chẩn đoán ung thư đại trực tràng giai đoạn III từ những năm 1999-2001 .
Nhóm nghiên cứu chia bệnh nhân thành 4 nhóm dựa trên lượng thịt đỏ và thịt đã qua chế biến mà mỗi người tiêu thụ SAU KHI nhận chẩn đoán ung thư. Lượng thực phẩm ăn vào được đánh giá qua các bảng hỏi phân phối định kỳ trong khi điều trị và 6 tháng sau khi hoàn thành hóa trị bổ trợ. Song song với lượng thịt đỏ và thịt đã qua chế biến mà bệnh nhân tiêu thụ, các nhà nghiên cứu cũng đánh giá các hành vi sức khỏe như tiền sử hút thuốc, sử dụng aspirin, hoạt động thể chất và việc sử dụng vitamin và chất bổ sung khoáng chất.
Tiêu chí đánh giá chính là tỉ lệ ca bệnh tái phát, xuất hiện khối u đại tràng mới, tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào, cũng như nguy cơ tử vong chung.
Trong thời gian theo dõi trung bình là 6,6 năm (khoảng biến thiên 1,9-7,5 năm), các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 305 ca tử vong và 81 ca tái phát mà không tử vong. Họ quan sát thấy KHÔNG CÓ mối liên hệ nào giữa lượng thịt đỏ hoặc thịt đã qua chế biến mà bệnh nhân tiêu thụ với nguy cơ tái phát hoặc tử vong của họ.
Cụ thể hơn, tỉ lệ nguy cơ rủi ro tái phát ở nhóm tiêu thụ thịt đỏ nhiều nhất so với nhóm tiêu thụ ít nhất là 0,84, trong khi tỉ lệ này đối với thịt chế biến là 1,05.
Tỉ lệ nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân ở nhóm tiêu thụ thịt đỏ nhiều nhất so với nhóm tiêu thụ ít nhất là 0.71, trong khi tỉ lệ này đối với thịt chế biến là 1,04.
Vì những con số này đều được xem là không có khác biệt về mặt thống kê, có thể nói rằng bệnh nhân ăn thịt đỏ nhiều hay ít trong khi điều trị ung thư cũng không ảnh hưởng tới nguy cơ tử vong hay tái phát bệnh.
Dù kết quả từ nghiên cứu tiến cứu này có thể được xem là “đáng tin hơn” so với các kết quả từ nghiên cứu hồi cứu khác, nhóm tác giả lưu ý rằng họ không thể loại trừ khả năng có sai sót không kiểm soát được vì lượng thịt tiêu thụ như thế nào là do các bệnh nhân tự báo cáo.
Hơn nữa, nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo rằng kết quả này có thể không được áp dụng cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn I–II hoặc giai đoạn IV vì dữ liệu thu thập trên bệnh nhân giai đoạn III điều trị hóa trị sau mổ mà thôi. Thông tin trong nghiên cứu cũng không nói lên ảnh hưởng của cách chế biến thịt hoặc lượng thịt tiêu thụ trước khi chẩn đoán ung thư.
Van Blarigan EL và các cộng sự cũng cho biết: “Mặc dù nghiên cứu có những hạn chế, những phát hiện này có thể cung cấp thông tin cho việc tư vấn bệnh nhân và xây dựng các hướng dẫn chế độ ăn uống cụ thể cho những người sống sót sau ung thư.
Hiện nay, tại Việt Nam đang có nhiều tin đồn rằng bệnh nhân ung thư không được ăn thịt đỏ, thậm chí là “thịt của loài bốn chân” (?!) vì chúng có thể làm bệnh tiến triển xấu. Đó đều là những tin đồn thất thiệt không chỉ làm bệnh nhân lo lắng nhiều hơn (vì không biết thế thì còn gì để ăn) hoặc giảm chất lượng cuộc sống (vì phải hạn chế/ kiêng cử những loại thực phẩm yêu thích).
Trước hết, cần hiểu rằng dù Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ có đưa ra mức thịt đỏ/thịt chế biến mà bệnh nhân không nên ăn nhiều hơn là 70 gram/ngày, người Việt Nam nói riêng, dân Châu Á nói chung ít khi ăn vượt mức này và đương nhiên không cần phải kiêng hoàn toàn. Ngoài ra, như phân tích đầu bài, con số này rút ra từ những nghiên cứu trên người khỏe mạnh xem họ ăn nhiều (ví dụ > 90 gram/ngày) vậy có làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng không, chứ không nói trực tiếp về việc người mắc ung thư rồi thì ăn nhiều có làm bệnh xấu hơn.
Kết quả từ nghiên cứu mới nhất này cho thấy bệnh nhân ung thư đại trực tràng vẫn có thể ăn những thực phẩm này mà không tăng nguy cơ tái phát hay tử vong, hoàn toàn trái ngược với những điều đang được đồn thổi.
Hi vọng rằng bài viết này giúp nhiều độc giả giải mã tin đồn liên quan tới thịt đỏ và người bệnh ung thư, giúp bệnh nhân tận hưởng những bữa ăn ngon miệng hơn mà không phải lăn tăn về thịt đỏ.
Nguồn: TS.BS. Phạm Nguyên Quý - Bệnh viện Trung Ương Kyoto Miniren