Ở đây là những nguyên tắc được các nhà tâm lý học đề nghị các bậc phụ huynh thực hiện, để giúp con cái có sự cân bằng giữa cuộc sống ảo và cuộc sống thực, giúp trẻ không phụ thuộc vào công nghệ, và hòa nhập tốt với xã hội. Giai đoạn thực hiện ban đầu có thể sẽ gặp phải nhiều khó khăn, và sẽ đặc biệt khó khăn hơn nếu con bạn đã “nghiện nặng”. Nhưng chỉ cần kiên trì thực hiện, phần thưởng là hoàn toàn xứng đáng:
1. Khung giờ ngắt kết nối Điều quan trọng trước hết mà các bậc cha mẹ cần chú ý chính là phải đặt ra nhưng khung giờ mà trẻ không được sử dụng công nghệ. Đó có thể là giờ ăn tối với gia đình, hoặc giờ chơi thể thao hàng ngày, hoặc giờ đọc sách, hoặc giờ chơi đùa với thú cưng, hoặc nấu ăn, hoặc nghệ thuật, hoặc các hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội, vân vân... Những khung giờ này bạn phải cho trẻ những hoạt động thay thế càng thú vị càng tốt, để trẻ làm quen và biết rằng ngoài các thiết bị công nghệ, các hoạt động bình thường vẫn vô cùng hấp dẫn và thú vị.
2. Khung giờ cho công nghệ Bạn phải đặt cho trẻ những khung giờ riêng cho công nghệ. Ví dụ như không để trẻ tiếp xúc với công nghệ quá khuya, hoặc vì mê mải chơi game hoặc giải trí mà lấn giờ ngủ, giờ ăn, giờ cho các hoạt động khác. Hãy tập cho trẻ thói quen có thể ngắt kết nối với thiết bị bất kỳ lúc nào mà không có cảm giác khó chịu.
3. Không gian cho công nghệ Nếu có thể, hãy thiết lập một không gian riêng để sử dụng thiết bị công nghệ. Không nên đặt Tivi và mang các thiết bị công nghệ vào phòng ngủ hoặc phòng đọc sách. Không nên tạo một không gian để trẻ có thể ở đó một mình với các thiết bị công nghệ.
4. Giới hạn cho công nghệ Có rất nhiều phần mềm lọc và giới hạn nội dung giúp các bậc phụ huynh giới hạn kết nối của con cái, ngăn không cho chúng kết nối tới các web đen, nội dung không tốt. Các thiết bị di động hiện nay như điện thoại và máy tính bảng cũng có các chức năng tương tự. Ngoài thiết lập các bộ lọc nội dung, hạn chế các ứng dụng mà trẻ có thể truy cập, bạn còn có thể thiết lập các giới hạn khác về mặt kỹ thuật tùy mức độ và mục đích của bạn.
5. Ngăn trước khi nghiện Trong bất kỳ trường hợp nào thì chuẩn bị và ngăn chặn vẫn là biện pháp hiệu quả nhất. Không nên đợi nghiện rồi mới chữa thì rất khó. Hãy tạo cho trẻ thói quen cân bằng trước khi trẻ trở nên không thể tách rời với các thiết bị công nghệ được nữa. Và một điều không kém phần quan trọng nữa là: Hãy làm gương cho trẻ! Nhớ nhé!